Văn Chấn: Đào tạo nghề nhằm xóa nghèo

 8033 lượt xem
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo, dạy nghề từ năm 2006 đến nay. 

 

Giáo viên Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Chấn hướng dẫn bà con xã Suối Quyền tiêm phòng dịch cho trâu, bò.

Văn Chấn là huyện có địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, toàn huyện có 31 xã, thị trấn, dân số trên 146.000 người. Tổng số người trong độ tuổi lao động là 91.109 người, số lao động thiếu việc làm khoảng 5.000 người, tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất nông nghiệp, các xã vùng cao nên tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 30,44%. 

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo, dạy nghề từ năm 2006 đến nay; triển khai công tác tuyển sinh, đào tạo, dạy nghề đợt II năm 2011, phấn đấu đạt 100% kế hoạch. 
 
Ngoài ra, Trung tâm Dạy nghề Văn Chấn còn liên kết với Trung tâm Dạy nghề của tỉnh, Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 
 
Để nắm bắt thực trạng sử dụng lao động và nhu cầu nguồn lực theo cơ chế nghề của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, huyện đã tổ chức khảo sát, thống kê lực lượng lao động và nhu cầu lao động còn thiếu và yếu. Để từ đó, khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động. Trung tâm phối hợp với địa phương tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người lao động thuộc diện nghèo tại các xã: Phù Nham, Nghĩa Sơn, An Lương, Bình Thuận, Sùng Đô, Phúc Sơn với các ngành nghề phù hợp điều kiện từng nơi, như: Thêu, dệt thổ cẩm, chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, sửa chữa xe máy, may dân dụng… 
 
Ông Đặng Trọng Công - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: “Trong công tác tuyển sinh và tư vấn học nghề, cán bộ Trung tâm đã xuống tận các thôn, khu dân cư để tư vấn về học nghề phù hợp với độ tuổi, nhu cầu của người lao động. Lao động trẻ tuổi thì hướng nghiệp chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, còn với lao động lớn tuổi thì hướng nghiệp bằng cách học nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ, vừa phù hợp với trình độ nhận thức, vừa phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động”.
 
Trong thời gian tới, huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục khai thác và kết hợp các hình thức đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình, tạo thuận lợi để giúp người lao động việc làm, có thu nhập và ổn định đời sống một cách bền vững.
 
Với những chính sách mà huyện đã và đang thực hiện sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
 
 
Ý kiến của bạn