Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập: Vì những lợi ích thiết thực cho toàn xã hội

 8719 lượt xem
Khuyến học, khuyến tài là một chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện xuyên suốt quá trình cách mạng, từ khi lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đến nay, nhằm xây dựng một nền giáo dục “của dân, do dân và vì dân” để “Dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Trong những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại Tây Ninh đã có những bước chuyển biến khởi sắc. 

Từ năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-UB ngày 24.11.2007 về “Chương trình xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007-2010”.

Tổ chức Hội Khuyến học ngày càng phát triển, phủ kín từ tỉnh đến huyện, thị, tận khu dân cư, tổ tự quản, cơ quan, trường học và là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục. Có thể nói ở đâu trong tỉnh cũng có hoạt động của Hội Khuyến học. Công tác vận động gây quỹ khuyến học được đẩy mạnh, các lực lượng xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà mạnh thường quân, hảo tâm đã tích cực đóng góp, ủng hộ nguồn quỹ, góp phần chăm lo cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà. Từ năm 2007 đến quý I.2012, nguồn quỹ vận động được là hơn 117 tỷ đồng. Qua đó, Tây Ninh được coi là một trong những tỉnh huy động nguồn quỹ khuyến học lớn trong khu vực miền Đông Nam bộ. Tây Ninh cũng là trường hợp điển hình trong việc dùng quỹ khuyến học xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
 
Cuối năm 2010, Trung tâm Học tập cộng đồng được UBND tỉnh quyết định sát nhập vào Trung tâm Văn hoá - Thể thao thành mô hình Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Học tập cộng đồng để thuận lợi trong việc tận dụng cơ sở vật chất và phối hợp hoạt động giữa 2 ngành liên quan, từ đó đẩy mạnh việc giáo dục phi chính quy, thực hiện mô hình giáo dục mở- mô hình xã hội học tập, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương.
 
Một số trung tâm đã có sự linh hoạt trong việc tìm kinh phí hoạt động từ các tổ chức, cá nhân theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, thể thao. Qua đó tăng cường nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng hoá các loại hình hoạt động, thu hút ngày càng nhiều quần chúng nhân dân đến học tập và vui chơi. Trung tâm Văn hoá- Thể thao- Học tập cộng đồng xã Tân Phong (huyện Tân Biên) là một điển hình về sự thành công trong việc huy động kinh phí xã hội hoá và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách được cấp.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở Tây Ninh vẫn còn những mặt hạn chế và không ít điều vướng mắc. Phong trào khuyến học tuy có phát triển mạnh, rộng khắp và toàn diện nhưng chất lượng chưa như mong muốn, hiệu quả hoạt động ở một số nơi chưa cao; nhận thức của một số cấp uỷ cơ sở chưa thật đầy đủ về công tác này nên trong lãnh đạo, chỉ đạo đôi lúc chưa sâu sát; việc hỗ trợ cho hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế; công tác tuyên truyền vận động nhân dân còn thiếu tính chiều sâu, chưa thu hút được rộng rãi quần chúng nhân dân tham gia vào hội; chưa phát huy được truyền thống hiếu học của địa phương để làm động lực phát triển phong trào. Phần lớn các trung tâm học tập cộng đồng chưa xác định được những công việc cụ thể, các giải pháp tổ chức thực hiện còn chung chung, chưa có sự phối hợp hiệu quả với ngành Văn hoá thể thao; việc huy động nguồn nhân lực, tài lực thiếu sự chủ động, còn trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Mặt khác, cơ chế chính sách và điều kiện hoạt động của các cấp hội còn nhiều khó khăn, bức xúc nhưng các cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa có biện pháp tháo gỡ. Quyết định số 30/QĐ-TTg của Chính phủ về phụ cấp cho cán bộ hưu trí phụ trách các tổ chức xã hội đã có hiệu lực từ 1.8.2011 nhưng cho đến nay chưa được thực hiện.
 
Trong thời gian tới, Tây Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức và hành động trong nhân dân về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đây là việc mà cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng có trách nhiệm tham gia thực hiện. Hội Khuyến học các cấp cần phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động này, tiếp tục đem lại những lợi ích to lớn, thiết thực cho toàn xã hội.    
 
 
Ý kiến của bạn