Ngày 10-5, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tổ chức biểu dương, tôn vinh trí thức, cán bộ khoa học tiêu biểu của Hải Phòng nhằm ghi nhận những công lao đóng góp, khích lệ giới trí thức tiếp tục nghiên cứu, đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
Đội ngũ trí thức có đóng góp xứng đáng
Tiến sĩ Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học-kỹ thuật thành phố cho biết, Hải Phòng là một trong những địa phương có đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học công nghệ khá đông đảo. Trong mọi lĩnh vực, đội ngũ trí thức Hải Phòng đều có những đóng góp xứng đáng. Những tên tuổi lớn như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Trần Tất Văn, Trạng nguyên Lê Ích Mộc, Văn Cao, Thế Lữ, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Quang Riệu… luôn được người đời tôn kính và vị nể. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện đội ngũ trí thức thành phố có khoảng hơn 43 nghìn người (trong đó có hàng nghìn người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư, viện sĩ). Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đang công tác trên mọi miền đất nước và ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhiều nhà giáo, thầy thuốc được phong tặng danh hiệu cao quý luôn phát huy truyền thống hiếu học, năng động, sáng tạo, đi đầu trong việc khó, có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.
Ở lĩnh vực nào, giới trí thức, khoa học thành phố cũng có những đóng góp xứng đáng. Tiêu biểu là các đề tài trong lĩnh vực lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý như đề tài “Các giải pháp chủ yếu đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy đến năm 2010” do Văn phòng Thành ủy chủ trì; hoặc đề tài “Các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân xã trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở thành phố Hải Phòng” của Văn phòng Quốc hội-HĐND thành phố. Nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu góp phần cung cấp những luận cứ khoa học, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố như “Phần mềm quản lý, cấp phép, kiểm soát người và phương tiện ra vào Cảng”, “Nghiên cứu cải tiến cấp phát và quản lý nhiên liệu trong toàn Cảng”, “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin khai báo hải quan từ xa”, “Những giải pháp phân luồng học sinh trung học ở Hải Phòng”; “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng mô hình bán trú trong trường tiểu học ở Hải Phòng”, “Đánh giá thực trạng dạy thêm, học thêm ngoài quy định ở Hải Phòng và kiến nghị một số giải pháp khắc phục”… Trong lĩnh vực công nghiệp có hơn 30 công trình nghiên cứu cấp bộ và thành phố về các ngành nghề truyền thống và lợi thế của Hải Phòng như đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển, sản xuất sơn, vật liệu xây dựng, nhựa, bột giặt, đồ hộp, nước mắm, bia, ắc quy…, trong đó nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất của Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng từ năm 2005 đến nay. Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có nhiều công trình nghiên cứu, sáng tạo về rừng ngập mặn chắn sóng, bảo vệ hệ thống đê biển, cải tiến phương pháp công nghệ để ngâm ngũ cốc lên men lỏng giảm chi phí 10 -14% giá thành thức ăn, tiết kiệm cho người nuôi 3-5 triệu đồng/tấn lợn. Hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực y, dược gặt hái nhiều thành công. Trong 5 năm (2006-2011), nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho nhân dân như: giải pháp phòng chống nhiễm virut viêm gan B, viêm gan C, bệnh lao kháng thuốc, bệnh đái tháo đường; ứng dụng tiến bộ khoa học, đặt máy tạo nhịp tim; hoàn thiện quy trình điều trị u phì đại lành, cắt ruột thừa, viêm ruột thừa, tràn khí màng phổi bằng phương pháp nội soi…
Nghiên cứu nhằm điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế
Để đạt mục tiêu đến năm 2015 Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố, Hải Phòng xác định tập trung phát triển kinh tế tri thức, cụ thể là phát triển công nghệ cao, tạo ra giá trị kinh tế lớn. Do vậy, việc tập hợp nhằm phát huy vai trò đội ngũ trí thức đóng góp tâm sức và trí tuệ cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Do đó, thời gian tới, đội ngũ trí thức thành phố tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tiếp tục điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường, phát triển nhanh và bền vững. Điều chỉnh cơ cấu kinh tế một cách hợp lý là bảo đảm cân đối giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu; bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và liên tục, đồng thời phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh; huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội; coi trọng phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ cảng, logistics, vận tải biển, kinh tế biển, tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm hàng hóa sạch, chất lượng cao; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức thành phố tập trung nghiên cứu, làm tốt công tác tư vấn, phản biện các chương trình dự án lớn về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị thành phố theo hướng đô thị cảng biển, đô thị kinh tế, đô thị quốc tế văn minh, hiện đại; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đồng bộ, bền vững; chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế và khu vực trên tất cả lĩnh vực.
Để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức được tham gia, phát huy khả năng, trí tuệ và trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, đề xuất, tư vấn, phản biện, tập trung phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.