Sức lan tỏa của cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”

 7350 lượt xem
Trên cơ sở cụ thể hóa nội dung của cuộc vận động (CVĐ)“Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tháng 11-2007, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Qua 5 năm triển khai, CVĐ đang có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn tỉnh. 

 

Cuộc  vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để từng bước nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; ý thức tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và sáng tạo của các thầy, cô giáo. Các đơn vị giáo dục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong ngành về ý nghĩa, mục đích của CVĐ dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện được ngành triển khai mạnh mẽ tại các cơ sở giáo dục và sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong 5 năm qua, CVĐ thực sự trở thành một phong trào sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực tại các đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh. Tất cả các đơn vị quản lý giáo dục, trường học đều xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng các tiêu chí đánh giá của tập thể, cá nhân với các tiêu chí thi đua theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các đơn vị giáo dục còn gắn việc thực hiện CVĐ với phong trào thi đua “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Hai không”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm".

Trường THPT Long Châu Sa (Lâm Thao) là trường có bề dày thành tích trong công tác dạy và học; nhiều năm liền trường đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, được công nhận là lá cờ đầu  của khối các trường THPT trong toàn tỉnh. Năm 2010 Trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và Bộ GD&ĐT công nhận là “Đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước ngành GD&ĐT giai đoạn 2006-2010”. Nhà giáo Lê Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường THPT Long Châu Sa cho biết: “CVĐ có tác động lớn đến tình hình tư tưởng, đạo đức, lối sống và việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, giáo viên, nhân viên; tập thể sư phạm ngày càng đoàn kết, gắn bó; uy tín, chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng lên. Điều này góp phần không nhỏ vào việc nhà trường là đơn vị thứ 2 khối THPT vừa đạt chuẩn quốc gia...”. Trường THPT Vũ Thê Lang (TP Việt Trì) là một trường tư thục, đội ngũ thầy, cô giáo còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, do vậy, NGND Cù Thị Kim Hợp –Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi triển khai CVĐ, trường thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng để từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi giúp giáo viên nâng cao tinh thần tự học và sáng tạo, tự tin vào bản thân, có ý chí phấn đấu vươn lên trong công tác”. Còn cô giáo Hoàng Thị Xuân Thu-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Luông (Tân Sơn) cho rằng: “CVĐ Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo nhằm khẳng định vị trí quyết định của người thầy đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay, là nền tảng quan trọng để thực hiện có hiệu quả chủ đề nâng cao chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Để hưởng ứng tốt CVĐ, bản thân tôi luôn tâm niệm dù ở bất cứ cương vị nào, hoàn cảnh nào thì cũng đòi hỏi cái đức, cái tâm đối với công việc của mình, do vậy, tôi không ngừng học tập phấn đấu, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, lý tưởng nghề nghiệp, lòng nhân ái, năng lực sư phạm để xứng đáng là tấm gương sáng trên mọi lĩnh vực”.

Điểm nổi bật trong thực hiện CVĐ chính là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục tổ chức “Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (năm 2008) từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Hội thi đã thu hút hàng trăm CB,GV tham gia, trong đó, cấp tỉnh có 22 thí sinh tham dự; tổ chức Hội thảo cấp ngành với chủ đề "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" đã thu hút gần 200 đại biểu trong toàn ngành tham dự. Ngoài ra, hằng năm, ngành còn lồng ghép việc thực hiện CVĐ với nhiều hội thi các cấp học từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh như: Hội thi Tiếng hát giáo viên ngành giáo dục, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Nữ CB, GV tài năng, sáng tạo”, “Tìm hiểu về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước trong ngành giáo dục”, thi GV dạy giỏi...

Đồng chí Phùng Quốc Lập - Chủ tịch Công đoàn giáo dục tỉnh cho biết:  "CVĐ đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, giáo viên tự nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật, có trách nhiệm trong công tác, tích cực đấu tranh với các tiêu cực học đường; nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, yêu nghề, thương yêu học sinh. Có thể khẳng định, CVĐ có sức lan tỏa và có tác động to lớn giúp cho sự nghiệp GD&ĐT những năm qua có bước chuyển biến căn bản về chất và lượng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. CVĐ đã góp phần nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trong các cấp học cao hơn so với những năm trước và tỷ lệ chung của toàn quốc”. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn 100%; giáo viên tiểu học đạt chuẩn 99,9% (trên chuẩn 70,2%); giáo viên THCS đạt chuẩn 98,4% (trên chuẩn 48,3%); giáo viên THPT đạt chuẩn 98,8% (trên chuẩn 5,4%); tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo tính bình quân trong toàn ngành đạt 52,6%; mỗi năm toàn ngành có hơn 300 đảng viên mới được kết nạp.  Cũng trong 5 năm qua, toàn ngành đã có 8.800 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm các cấp được triển khai; nhiều văn bản, đề án, kế hoạch về phát triển GD&ĐT được cấp uỷ, chính quyền các cấp ban hành, tạo cơ sở pháp lý tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. Những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo đã góp phần duy trì nền nếp kỷ cương trong các đơn vị giáo dục, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 51 nghìn học sinh đạt giải qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế (trong đó có 9.891 giải cấp tỉnh; 236 giải quốc gia, quốc tế); đặc biệt 3 năm liền tỉnh có học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt bình quân trên 98%; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tính bình quân hàng năm đạt từ 35-40%. Toàn ngành có 3.669 nghìn lượt cán bộ quản lý và giáo viên được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp; trên 3 nghìn giáo viên dạy giỏi các cấp; 1.536 tập thể lao động xuất sắc. Trong đó nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, đoàn thể Trung ương, UBND tỉnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua; 24 tập thể và 20 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động, Huân chương Độc Lập các hạng;11 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 1 Nhà giáo nhân dân.

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, Ban thường vụ công đoàn ngành giáo dục đã đề ra một số giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tọa đàm, hội thảo về những phẩm chất đạo đức nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học, nhận thức đúng vai trò, mục đích của CVĐ; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện CVĐ một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn của địa phương, nhà trường và đơn vị; tổ chức CVĐ gắn liền với đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, “Dạy tốt – học tốt” và lồng ghép với các cuộc vận động khác đang tổ chức trong nhà trường và đơn vị; hàng năm thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân trong việc thực hiện CVĐ; tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện CVĐ...

 
 
Ý kiến của bạn