"Nhân rộng mô hình ND sản xuất kinh doanh giỏi là giải pháp thiết thực để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở những vùng đặc biệt khó khăn như Tân Uyên" - ông Đặng Xuân Hòa - Chủ tịch Hội ND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu khẳng định.
Tân Uyên mới thành lập năm 2009, gần 90% dân số là người dân tộc, chủ yếu sống bằng nghề nông, với tỷ lệ hộ nghèo gần 47%.
Nhiều hộ ND ở Tân Uyên thoát nghèo, giàu lên từ thâm canh cây chè.
Hỗ trợ ND thiết thực
"Tuyên truyền, tập hợp hội viên, ND tích cực xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hội đã chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở các lĩnh vực. Tổ chức cho ND tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm làm ăn…" -ông Hoà cho hay.
Để hỗ trợ ND sản xuất và có những mô hình hay, điển hình tốt, huyện Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và đoàn thể trên địa bàn để thực hiện tốt việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp ND vay vốn, mua giống, phân bón trả chậm...
"Hai năm vừa qua, chúng tôi đã ký hợp đồng uỷ thác với các ngân hàng để 1.669 hộ nông dân vay gần 30 tỷ đồng làm vốn sản xuất, cung ứng 270 tấn phân bón, tổ chức cho hàng ngàn lượt hội viên, ND tham quan, học tập mô hình tốt; tổ chức 26 lớp dạy nghề ngắn hạn…" - ông Hoà thông tin.
Với sự giúp đỡ thiết thực của Hội, không ít hộ không những thoát nghèo mà còn có tích lũy. “Tổng kết phong trào ND SXKD giỏi năm 2009-2011, toàn huyện không có hộ SXKD giỏi cấp T.Ư, đây là một trong những mục tiêu của phong trào ND SXKD giỏi của Tân Uyên giai đoạn tới"- ông Hòa cho hay.
Nhân rộng các mô hình hay
Trên nương chè rộng tới 5ha ở thị trấn Tân Uyên, ông Phạm Văn Lâm đang miệt mài làm việc dưới những tán chè xanh mướt. Ông kể: “Tôi là bộ đội phục viên, thấy cảnh nhà nghèo đói mà đau lòng. Lúc đầu tôi chọn cách trồng lúa, ngô nhưng đất xấu, không có trâu, bò làm sức kéo, lại hiếm nước nên năng suất thấp. Được cán bộ hội tư vấn, tôi chuyển sang làm dịch vụ xay xát và trồng chè. Thiếu vốn thì Hội hỗ trợ.
Năm 2011, toàn huyện Tân Uyên có 22 hộ ND SXKD giỏi cấp tỉnh, 77 hộ giỏi cấp huyện, 280 hộ giỏi cấp cơ sở. Giai đoạn 2012-2014, Hội ND huyện phấn đấu mỗi năm số hộ SXKD giỏi các cấp tăng từ 5-8%; hộ nghèo giảm 6-7%/năm…
Cứ "tích tiểu thành đại", hiện giờ tôi đã có 5ha chè, mỗi năm thu 60 tấn búp tươi. Tổng thu nhập của gia đình mấy năm gần đây đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Vườn chè của tôi tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Gia đình tôi đã được công nhận hộ ND SXKD giỏi cấp tỉnh. Sắp tới, tôi sẽ nâng cấp xưởng chế biến chè, chắc vài năm sau sẽ đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp trung ương…”.
Trưởng bản Tảng Đán, xã Thân Thuộc - lão nông Lò Văn Chài tâm sự: “Nhờ có Hội ND hỗ trợ, đến nay không ít hộ nghèo vươn lên khá giả như ông Sùng A Phủ, Lý Văn Sinh ở xã Phúc Khoa, ông Sồng A Chứ ở xã Hô Mít… Gia đình tôi đã có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm là nhờ cán bộ hội đấy. Thấy tôi biết làm ăn, tham gia hoạt động hội tích cực nên 2 năm nay, tôi được dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản; lại được công nhận ND SXKD giỏi cấp huyện nữa…”.
Ông Hòa khẳng định, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến SXKD giỏi để ND học tập và làm theo, là góp phần thiết thực vào giảm nghèo nhanh và bền vững ở Tân Uyên.