Trong công tác quy hoạch nông thôn mới, đối với mỗi xã trong một huyện cần phải có quy hoạch, chiến lược phát triển...
TS Vũ Trọng Bình - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng: “Trong công tác quy hoạch NTM, đối với mỗi xã trong một huyện cần phải có quy hoạch, chiến lược phát triển, ví dụ như hệ thống hạ tầng, vùng sản xuất nông nghiệp được bố trí ra sao, doanh nghiệp sản xuất, chế biến được hình thành thế nào.
Từ đấy, chúng ta mới bắt đầu quy hoạch. Song trên thực tế, chúng ta đang quy hoạch NTM cấp xã trên cái nền thiếu tổng thể, nên các xã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong quy hoạch sản xuất và trong việc sắp xếp hệ thống thương mại”.
Theo TS Bình, trong việc quy hoạch xây dựng NTM, tiêu chí đầu tiên là phải xác định năng lực đơn vị tư vấn, hiện vẫn chưa có một tiêu chí nào để lựa chọn. Ví dụ đơn vị tư vấn quy hoạch nông nghiệp, xây dựng phải tách riêng nhau, nhưng bên xây dựng lại nhảy vào quy hoạch nông nghiệp và ngược lại, nên chất lượng của việc quy hoạch thấp.
Mặt khác, hiện chúng ta đang chi quá nhiều tiền cho việc quy hoạch, nếu chọn được đơn vị đủ năng lực, làm việc khoa học thì sẽ giảm được rất nhiều. Đơn vị quy hoạch, là người thay dân vẽ lại, hình dung lên một bộ mặt nông thôn trong tương lai, dựa trên sự đóng góp ý kiến của người dân, chính quyền.
Ví dụ, chỗ A là chợ, chỗ B là vùng sản xuất, C là nghĩa trang chẳng hạn. Quy hoạch là dựa trên ý tưởng, mong muốn, chiến lược của người dân địa phương. Nhưng hiện đa số các đơn vị tư vấn quy hoạch vẫn làm theo kiểu “vạch đường cho hươu chạy”, vẽ thế nào thì được thế ấy. Sau đó, mới tổ chức… gọi dân lên để biểu quyết, ép vào cái sự việc đã rồi. Trong khi, đáng lẽ ra, dân phải được họp bàn, tham gia ngay từ đầu, vì chính họ mới là người am hiểu nhất hiện trạng nông thôn của họ.