Sau hai năm nỗ lực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thạch Thất đã tạo những chuyển biến rõ nét. Đời sống dân sinh ở các xã đã thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, nhiều mô hình, tổ chức sản xuất hiệu quả đã tăng thu nhập cho nông dân. Từ đầu năm 2012 đến nay, huyện đã huy động trên 101 tỷ đồng vốn cho xây dựng NTM.
Xã Đại Đồng vốn là xã thuần nông nhưng từ khi làm điểm xây dựng NTM, bộ mặt làng xã đã thay đổi nhờ các tuyến đường trên địa bàn đều được mở khá rộng và đổ bê tông. Chợ dân sinh của xã được xây dựng cách đây vài ba năm, lợp mái tôn, cao ráo, tạo điều kiện cho hơn 100 hộ kinh doanh. Xã có trạm y tế khang trang, ba sân thể thao rộng gần 17 nghìn mét vuông, 11 thôn của xã đều có nhà văn hóa... Hệ thống thủy lợi bảo đảm chủ động tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất canh tác. Đại Đồng cũng là xã ngoại thành đầu tiên của Hà Nội triển khai phân loại rác thải tại nguồn nên cảnh quan môi trường địa phương khá sạch, đẹp.
Trong khi Đại Đồng đẩy mạnh chỉnh trang nông thôn, thì xã Hương Ngải lại tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM bắt đầu từ ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu, luân canh 4 vụ với mô hình trồng khoai tây - dưa - lúa mùa sớm - bí xanh cho giá trị thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình trồng khoai tây làm đất tối thiểu cho giá trị kinh tế cao nhờ được huyện đầu tư xây dựng nhà lạnh bảo quản sau thu hoạch và được HTX nông nghiệp lo bao tiêu sản phẩm.
Để tiếp sức cho nông dân, huyện đã dành nguồn kinh phí khá lớn giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Từ đầu năm tới nay, huyện đã hỗ trợ trên 3 tỷ đồng cho các xã thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phó Chủ tịch UBND huyện Chu Đại Thành cho biết: Thạch Thất đã gắn quy hoạch vùng sản xuất với xây dựng NTM; mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng (đạt 80-90% diện tích) để tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất cây trồng và đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Bên cạnh đó, huyện quy hoạch và triển khai các vùng trồng hoa, cây ăn quả chuyên canh ở Đại Đồng, Yên Bình và một số xã khác, bước đầu cho thu hoạch khá, giúp người nông dân phấn khởi và hào hứng với quá trình xây dựng NTM. Hiện nay diện tích cấy lúa mỗi vụ của huyện khoảng gần 5.000ha nhưng có tới 60% là lúa hàng hóa. Trên vùng đất đồi gò, Thạch Thất đã triển khai mô hình trồng chuối tiêu hồng, trồng quế, thanh long ruột đỏ quy mô 5-10ha, giá trị đạt 300-400 triệu đồng/ha; chuyển đổi gần 150ha cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản kết hợp, với trên 200 trang trại cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha… Các mô hình này đang phát huy hiệu quả, tăng thu nhập, tạo đòn bẩy cho người dân và các địa phương xây dựng NTM hiệu quả, bền vững.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết: Sau hơn hai năm dồn lực triển khai NTM ở 11 xã được lựa chọn bước một, đời sống nông thôn, nông dân đã khởi sắc rất rõ. Cụ thể, xã Đại Đồng hiện đã đạt 14 tiêu chí, tăng 8 tiêu chí so với năm 2010, 3 tiêu chí cơ bản đạt, chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt là hộ nghèo và thu nhập của người dân. Xã Hương Ngải đã đạt 11 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí và 3 tiêu chí cơ bản đạt. Xã Phùng Xá mặc dù không phải là xã điểm xây dựng NTM, song đến thời điểm này đã đạt được 12 tiêu chí, tăng 5 tiêu chí so với năm 2010; 4 tiêu chí cơ bản đạt, trong đó nhân dân đóng góp vốn xã hội hóa để xây dựng các công trình văn hóa được 6 tỷ đồng. Các xã khác như Hữu Bằng, Hạ Bằng cũng đã đạt từ 12 đến 13 tiêu chí NTM.
Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng NTM ở Thạch Thất vẫn gặp không ít khó khăn. Đó là công tác quy hoạch (QH) không thể làm nhanh bởi trên địa bàn huyện có hàng loạt dự án lớn như khu đô thị Thạch Phúc, khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu đô thị Quốc Oai - Thạch Thất… dẫn tới việc xây dựng QH phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới tiến độ. Cũng từ đặc thù này mà Thạch Thất gặp nhiều khó khăn trong công tác dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn. Mặt khác, kinh phí đầu tư hạ tầng cho các xã xây dựng NTM lớn, trung bình trên dưới 200 tỷ đồng, trong đó chủ lực vẫn là nguồn vốn địa phương và huy động sức dân trong khi công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn còn nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chu Đại Thành cho biết, năm 2012, Thạch Thất đã có nghị quyết chuyên đề với mục đích huy động cả hệ thống chính trị tập trung cho xây dựng NTM. Huyện sẽ đôn đốc chỉ đạo kịp thời, sâu sát, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, vận dụng tốt chủ trương, chính sách của TP gắn với sự chủ động của mỗi địa phương và cố gắng của các hộ để nâng cao hiệu quả sản xuất; tập trung hỗ trợ đắc lực để người nông dân gắn kết với đồng ruộng. Đi đôi với phát triển kinh tế, Thạch Thất tiếp tục quan tâm đến an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp… để NTM Thạch Thất thực sự giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Đoài.