Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đóng góp cho cộng đồng

 8307 lượt xem
Trong những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực học tập, ứng dụng các tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà các hộ còn giúp đỡ các hội viên khó khăn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đóng góp tiền và ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhân ở xã Nam Dong (Chư Jút) trước đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi. Nguyên nhân là do ông không am hiểu nhiều về các kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh. Nhưng khoảng 3 năm nay, nhờ mạnh dạn học tập các kiến thức, kinh nghiệm mới, ông đã phát triển được đàn heo nái và heo thịt lên hơn 200 con. Thêm vào đó, ông còn nuôi thêm hàng chục con dê và 5 sào ao nuôi cá, ếch. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí đầu tư, gia đình cũng có lãi khoảng 250 triệu đồng. Theo ông Nhân thì có được kết quả ngày hôm nay là sự nỗ lực vượt khó của ông cũng như nhiều người thân trong gia đình. Từ chỗ chỉ làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, ông đã vay thêm vốn mở rộng quy mô chuồng trại, mua con giống và học cách chăn nuôi an toàn, bền vững nên hiệu quả kinh tế đạt được ngày càng cao. Cũng theo ông Nhân thì để chăn nuôi phát triển, không phải chỉ cần làm tốt việc vệ sinh chuồng trại, cho ăn, uống đầy đủ, đúng cách mà còn phải tuân thủ việc tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh.

 
 Nông dân SXKD giỏi trao đổi kinh nghiệm sản xuất bên lề Hội nghị tổng kết Phong trào Nông dân SXKD giỏi lần thứ 2, giai đoạn 2007-2011.
 
Tương tự, anh Huỳnh Cao Nhất ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) đã mạnh dạn chuyển 5 sào đất từ trồng các loại đậu, ngô sang trồng hoa và rau. Với bản tính siêng năng, cần cù, áp dụng nghiêm túc các quy trình trồng, chăm sóc khoa học nên anh đã thành công với việc trồng các loại hoa cúc, lay ơn, rau măng tây. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình có lãi hàng trăm triệu đồng. Anh Nhất cho biết: “Qua nhiều lớp tập huấn, các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm của các hộ dân khác trong và ngoài tỉnh, tôi thấy rằng, ngày nay, người nông dân muốn làm giàu được thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm, làm ra nông sản có tính cạnh tranh thì mới phát triển được ổn định, bền vững. Với nghề trồng hoa và rau, nếu ai sản xuất tốt thì nguồn lãi thu được là khá cao, thị trường ở Đắk Nông cũng như các khu vực lân cận có nhu cầu lớn nên đầu ra rất dễ dàng”.
 
Gia đình các ông Nguyễn Văn Nhân (Chư Jút) và Huỳnh Cao Nhất (Gia Nghĩa) chỉ là hai trong số hơn 19.000 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp tỉnh, giai đoạn 2007-2011, chiếm hơn 40% số hội viên nông dân trên địa bàn. Được biết, trong những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động hội viên khắc phục mọi khó khăn để đẩy mạnh SXKD. Các cấp hội cũng đã tăng cường công tác phối, kết hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện các dự án, đề tài và các chương trình hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, đầu chuồng, các lớp tập huấn nhằm phổ biến, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt. Bà con còn biết thành lập các trang trại, tổ hợp tác, các hợp tác xã, tổ hùn vốn…tạo nên các hình thức sản xuất ở khu vực nông thôn theo hướng bền vững hơn, tránh được những rủi ro do sự manh mún, nhỏ lẻ tạo nên. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.000 trang trại, 550 tổ hợp tác và 131 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ...
 
Nông dân SXKD giỏi trao đổi kinh nghiệm sản xuất bên lề Hội nghị tổng kết Phong trào Nông dân SXKD giỏi lần thứ 2, giai đoạn 2007-2011.
 
Không chỉ thi đua SXKD giỏi, nhiều hội viên nông dân còn là nòng cốt trong việc giúp đỡ các hội viên nghèo, gia đình khó khăn, gia đình chính sách và đóng góp cho cộng đồng để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Gia đình anh Đặng Nhân Tài, ở xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp), với mô hình kinh doanh tổng hợp, thu mua nông sản. Hàng năm, anh đã bán từ 400- 600 tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho trên 200 lượt hội viên nông dân trên địa bàn xã. Cơ sở sản xuất tiêu sọ của anh còn tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức lương ổn định. Nhân các dịp lễ, tết, gia đình anh còn tặng hàng chục suất quà cho các gia đình nghèo, chính sách ở trong xã và xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp). Theo Hội nông dân tỉnh thì  trong 5 năm qua (2007- 2011), thể hiện tinh thần  “lá lành đùm lá rách”, các cấp hội đã chủ động giao chỉ tiêu cho mỗi hộ SXKD giỏi nhận giúp đỡ hội viên nghèo về vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật… Do đó, số hộ nghèo ngày càng giảm, số khá, giàu tăng lên. Khi bà con có đời sống kinh tế khá giả thì nhiệt tình tham gia vào các công việc của cộng đồng, xã hội. Hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp được hơn 20,5 tỷ đồng và nhiều ngày công lao động để nạo vét, sửa chữa, làm mới gần 1.000 km kênh mương, trên 2.200 km đường giao thông nông thôn, hơn 700 phòng học…. Nói về những kết quả nổi bật trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, ông Trần Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Cái được lớn nhất qua phong trào thi đua SXKD giỏi 5 năm qua, đó là sự khẳng định bước trưởng thành lớn mạnh về nhận thức chính trị, trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ mới của nông dân. Hội viên nông dân đã trở thành nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
 
 
Ý kiến của bạn