Ngày 19.5, 158 gương mặt điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ ngành công thương về dự hội nghị “Lao động giỏi” năm 2011 và “Lao động sáng tạo” toàn ngành giai đoạn 2007-2012.
Chủ tịch CĐ Công Thương VN Đỗ Đăng Hiếu (áo sẫm) trao thưởng cho “Lao động giỏi” ngành công thương.
CĐ Công Thương VN sẽ tổ chức hội nghị nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân lao động xuất sắc nhân “Tháng công nhân 2012” và là món quà thiết thực kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2012).
Những tấm gương điển hình
Phong trào thi đua “Lao động giỏi” phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” CĐ Công Thương (CT) VN đã được các đơn vị hưởng ứng, động viên CNVCLĐ tích cực, năng động, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến tiêu biểu ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong ngành.
Trong 5 năm (2007-2012), kỹ sư chế tạo máy Phan Văn Tiền - Cty TNHH MTV phân đạm và hóa chất Hà Bắc - đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi hàng tỉ đồng, giúp CN giảm bớt sức lao động. Nhiều sáng kiến của kỹ sư Tiền đã nhận được bằng LĐST của CĐCTVN. Riêng năm 2007, kỹ sư Tiền đã tận dụng vật tư sẵn có để thiết kế, chế tạo máy lốc tôn thủy lực, với phương pháp dẫn động bằng thủy lực, máy làm việc êm, kết cấu gọn nhẹ, CN dễ điều chỉnh... đã làm lợi cho Cty 200 triệu đồng/năm.
Mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế có tác động lớn đến ngành thép, TCty Thép VN vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch và có lợi nhuận cao. CĐ TCty đã phối hợp với chuyên môn tổ chức tốt các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Chỉ riêng năm 2011, toàn TCty có tới 330 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất được công nhận và áp dụng vào sản xuất, mang lại giá trị trên 6,4 tỉ đồng, tiết kiệm vật tư 5,2 tỉ đồng.
Từ phong trào đã có được những cá nhân điển hình tiêu biểu như: CN Phan Trọng Minh (thợ bậc 7/7, Nhà máy cán thép Thái Nguyên, thuộc Cty cổ phần gang thép Thái Nguyên) đã có hàng chục sáng kiến làm lợi cho Cty hàng tỉ đồng; anh Trần Đức Mạnh, từ một CN Nhà máy cán thép Lưu Xá, chuyên điều chỉnh thép cán, nhưng sau một năm anh đã là kỹ thuật viên của phân xưởng và đến nay là trưởng phòng kỹ thuật của nhà máy, năm 2011 đã có 7 sáng kiến làm lợi cho Cty gần 1 tỉ đồng... Họ là những gương mặt trong số 158 LĐ giỏi toàn ngành được tôn vinh tại hội nghị.
Từ phong trào thi đua do CĐ phát động, trong 5 năm qua (2007-2012) toàn ngành CT có hơn 2.000 sáng kiến, làm lợi trên 200 tỉ đồng, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu trị giá 25 tỉ đồng. Đã có 208 sáng kiến, sáng tạo của CNLĐ ngành CT được Tổng LĐLĐVN tặng bằng Lao động sáng tạo...
Mỗi năm, CNLĐ phải có một ý tưởng sáng tạo
Theo Phó Chủ tịch CĐCTVN Ngô Xuân Thạnh, qua các phong trào thi đua, CĐ ngành đã xây dựng được những tập thể đoàn kết, gắn bó, phát huy truyền thống của từng đơn vị, nhiều cá nhân làm việc với lòng say mê, nhiệt huyết, trách nhiệm và sáng tạo.
Chủ tịch CĐCTVN Đỗ Đăng Hiếu thì cho rằng, giai đoạn tới sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, nguy cơ mất việc làm, thu nhập của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng nếu mỗi DN không tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị... Trong bối cảnh đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhằm phát huy khả năng sáng tạo của NLĐ, phát huy nội lực hiện tại của từng DN. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của tổ chức CĐ để thực hiện chức năng của mình.
Ông Hiếu nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, các cấp CĐ ngành CT cần tiếp tục đẩy mạnh thi đua, tập hợp ý tưởng trong CNVCLĐ, chú trọng tổ chức tốt hoạt động các nhóm, tổ hỗ trợ sáng kiến, các nhóm tập hợp phát triển ý tưởng, tạo mọi điều kiện để NLĐ được phát huy ý tưởng, lao động giỏi, lao động sáng tạo. CĐ cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc phải đưa thành phong trào chính của đơn vị, phấn đấu mỗi CNVCLĐ trong đơn vị mỗi năm có ít nhất một ý tưởng mới”.
Theo ông Hiếu, tiêu chuẩn phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” sẽ được đưa vào nội dung thi đua của hoạt động CĐ. Mỗi cấp CĐ sẽ xây dựng tiêu chuẩn bình xét khen thưởng cho phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm riêng của đơn vị mình, để đảm bảo nguyên tắc khen thưởng chính xác, công bằng.