Nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh cũng như của đất nước. Với ý nghĩa đó, tỉnh Quảng Ninh luôn dành mọi nguồn lực cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút, khuyến khích đầu tư cho “tam nông”.
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình trồng hoa tại Thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ.
Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn. Tính từ năm 2006 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành 3 Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 27 Quyết định liên quan đến lĩnh vực đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, như: Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27-10-2010 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 1698/QĐ-UBND ngày 31-5-2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt diện tích đất sản xuất nông nghiệp được miễn thủy lợi phí của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3838/QĐ-UBND ngày 6-12-2011 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015…
Các cơ chế, chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được ban hành kịp thời, nhanh chóng đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng cũng như yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh nói chung.
Hiện nay, tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước được tỉnh Quảng Ninh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân chiếm bình quân 35% tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư chung trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ năm 2006 đến năm 2011, tỉnh đã trích trên 6.200 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước được tỉnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó, riêng vốn thuộc ngân sách địa phương chiếm 4.522 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương trên 1.740 tỷ đồng.
Các nguồn vốn này được tỉnh chú trọng đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi; phát triển làng nghề; hệ thống giao thông nông thôn; phát triển lưới điện; xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học, trụ sở làm việc, các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Thông qua đó, đến nay trên địa bàn tỉnh có 777 công trình thủy lợi, tưới tiêu được sửa chữa, nâng cấp và xây mới; trên 900 km kênh mương được kiên cố hóa; 180 km đường huyện và các đường liên thôn, liên xã được đưa vào sử dụng; 96% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện theo giá Nhà nước; 100% xã, phường có trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND; 100% thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa; 100% trạm y tế xã cơ bản hoàn thành các mục tiêu chuẩn y tế quốc gia; 86% số hộ dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã miễn thủy lợi phí cho gần 48.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, tương ứng với kinh phí ngân sách cấp bù cho các đơn vị làm dịch vụ thủy nông gần 100 tỷ đồng. Thông qua hệ thống khuyến nông, lâm, ngư, các địa phương đã xây dựng 14.729 mô hình kinh tế, đồng thời chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống cho 83.000 hộ nông dân, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu ngành, nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Từ các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ vốn, chuyển giao kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, cây con giống cho bà con nông dân, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 6,7%/năm, độ che phủ của rừng đạt 51,8%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 4,89%, diện mạo nông thôn nhiều đổi mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên.
Thông qua các chương trình khuyến nông đã hình thành nên nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại vườn, ao, chuồng.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cái được lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình triển khai các chính sách của Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện qua từng năm. Nhà ở, điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, trạm y tế, trường học được đầu tư đồng bộ. Người nông dân từng bước bắt nhịp được với nền sản xuất theo hướng hàng hóa.
Để tạo động lực cho bộ mặt nông thôn phát triển nhanh, bền vững, trong buổi làm việc, đồng chí đề nghị cấp bộ, ngành Trung ương cần bổ sung chiến lược xây dựng quy hoạch ngành kinh tế gắn với các vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người lao động nông thôn; cơ chế chính sách về vốn vay cần phải được tính toán, điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ cho các đơn vị chế biến, tiêu thụ nông sản; quan tâm chính sách khuyến nông, môi trường nông thôn, quản lý hiệu quả các công trình sau đầu tư…
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại trong việc đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục xây dựng 7 chính sách mới: Chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chính sách hỗ trợ cho ngư dân khắc phục rủi ro do thiên tai trên biển; xây dựng bảng giá mới các loại rừng; chính sách phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở các vùng khó khăn; chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục và đào tạo; chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất điện năng cung cấp cho nhân dân ở các xã đảo chưa có điện lưới quốc gia; chính sách hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa hoạt động thu gom rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn.
Tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. (Trong ảnh: Chăm sóc hoa lan tại Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh).
Ngoài ra, nhằm từng bước giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, kích thích sản xuất đối với các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh, như: gà Tiên Yên, ba kích Ba Chẽ, chả mực Hạ Long… đồng thời quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn, trồng hoa chất lượng cao; huy động sự tham gia đóng góp tiền và vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân xây dựng nông thôn mới.
Với sự đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, cũng như nhiều chính sách khuyến khích, kích cầu đầu tư của tỉnh trong nhiều lĩnh vực, tin tưởng trong tương lai gần, nông thôn, đặc biệt những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc, thu hẹp khoảng cách với vùng trung tâm, tạo động lực để tỉnh Quảng Ninh xây dựng thành công chương trình nông thôn mới vào năm 2015./.