Sau 2 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy vậy, để thực hiện thành công mục tiêu, lộ trình đề ra, nhiệm vụ của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh vẫn còn hết sức nặng nề.
NHẬN DIỆN NHỮNG KHÓ KHĂN
Hiện nay, tiến độ triển khai công tác lập quy hoạch và xây dựng Đề án xây dựng NTM cấp xã trên địa bàn tỉnh còn rất chậm. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) XDNTM tỉnh thì, sở dĩ có khó khăn trên vì nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương thiếu nhất quán, phức tạp, không phù hợp trình độ, năng lực cán bộ, nhất là cấp xã, cũng như chưa rõ ràng về các nội dung quy hoạch và định mức kinh phí để thực hiện quy hoạch. Công tác lập quy hoạch được triển khai đồng loạt ở 164 xã và yêu cầu phải cơ bản hoàn thành trong năm 2011 nên không đủ các tổ chức tư vấn có năng lực kinh nghiệm để thực hiện.
Xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở tỉnh. (Ảnh chụp tại KDC số 1, xã Đức Tân, Mộ Đức).
Ông Phan Duy Khánh- Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), nhận xét: Đa số các đơn vị tư vấn chỉ mạnh về quy hoạch xây dựng, chưa có kinh nghiệm và hạn chế về quy hoạch sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp. Trong khi quy hoạch sản xuất là nội dung khó, lại có tính chất quan trọng để định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Đây là những tiêu chí có tính quyết định trong quá trình XDNTM.
Ông Nguyễn Đức Tỵ- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, cho rằng: Trong quá trình lập quy hoạch XDNTM, sự phối hợp của các xã với các đơn vị tư vấn chưa nhịp nhàng, khoán trắng và phụ thuộc hoàn toàn vào tư vấn. Các xã không cam kết hạn định với tư vấn, từ đó kéo dài thời gian, không thực hiện hoặc thực hiện cầm chừng. Năng lực cán bộ nhiều xã còn hạn chế, nhất là các xã ở miền núi, nên việc nắm bắt thông tin chương trình chưa đầy đủ. Nhiều địa phương cơ sở hạ tầng yếu kém, chậm phát triển kinh tế- xã hội. Đời sống đại bộ phận nông dân gặp khó khăn và hộ nghèo còn ở mức cao cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ triển khai đề án rất chậm.
Ngoài ra, Quảng Ngãi đang gặp khó khăn về nguồn vốn XDNTM. Nguồn ngân sách bố trí để lập quy hoạch chưa kịp thời. Quảng Ngãi là tỉnh tự cân đối ngân sách nên không được Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM. Đến tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 28 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch. Riêng trong năm 2012, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 13 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này vốn vẫn chưa về đến tỉnh. Bên cạnh đó, là sự nhận thức chưa đầy đủ của người dân trong XDNTM. Không phải tất cả mọi người dân đều hiểu rõ quá trình thực hiện và ý nghĩa thật sự của chương trình. Ông Nguyễn Thanh Liêm (xã Hành Nhân, Nghĩa Hành) cho biết: "Vấn đề quy hoạch XDNTM, bản thân người dân như chúng tôi cũng chưa rõ. Tôi cũng nghe thông tin trên đài phát thanh, truyền hình nhưng cũng chưa thật sự "thấm" lắm"!
CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Theo mục tiêu XDNTM của Quảng Ngãi, đến năm 2015, toàn tỉnh có 33/164 xã đạt chuẩn NTM và con số này đến năm 2020 là 89 xã. Để đạt được mục tiêu trên, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Qua đó tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện XDNTM.
Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là, xây dựng chương trình phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát động, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua XDNTM. Chính quyền các địa phương cần huy động sức mạnh của toàn dân, thực hiện trước những tiêu chí mà chưa cần đến sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, như: Vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, ruộng vườn, hiến đất mở rộng và vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát huy sự tương trợ của cộng đồng, họ hàng, dòng tộc.
Điển hình như xã Phổ Hòa (Đức Phổ), để xây dựng một tuyến giao thông nội đồng và ba tuyến đường liên thôn, liên xã dài hơn 2km, 50 hộ dân đã hiến trên 2.500m2 đất. Ngoài ra, người dân còn tự nguyện tháo gỡ tường rào và công trình phụ, chặt cây ăn trái, phá bỏ hoa màu để giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công. Không những vậy, người dân trong xã còn đóng góp kinh phí để xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa thôn.
Chương trình XDNTM là chương trình mang tính toàn dân, do đó cần huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư thực hiện; tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án đã có trên địa bàn với việc huy động nội lực của cộng đồng và ngân sách hàng năm của các cấp bố trí đầu tư trực tiếp cho chương trình XDNTM. Ngoài ra, các địa phương cần có giải pháp vận động các doanh nghiệp chung sức XDNTM. Như tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), dự kiến kinh phí để XDNTM là 160 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này phần vốn ngân sách (chiếm 40%, tương đương 64 tỷ đồng) vẫn chưa được cấp; phần vốn do người dân đóng góp (chiếm 10%, tương đương 16 tỷ đồng) chưa huy động được. Trong hoàn cảnh "bế tắc", xã Nghĩa Hòa đã được Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân cam kết cho mượn không lãi phần vốn ngân sách (64 tỷ đồng), nhờ đó đã giải tỏa được nỗi băn khoăn của địa phương.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM tỉnh, UBND các huyện cần tập trung chỉ đạo hoàn thành việc lập quy hoạch và đề án XDNTM cấp xã trước ngày 30/9/2012. Đối với 33 xã phấn đấu đạt tiêu chí NTM vào năm 2015 phải khẩn trương hoàn thành trước 30/6/2012. Trong quy hoạch XDNTM phải đặc biệt chú trọng quy hoạch sản xuất, lấy phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn làm nền tảng xây dựng NTM. Đồng thời chú trọng dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình thể thao trên địa bàn. Quy hoạch và Đề án XDNTM cấp xã phải tuân thủ đầy đủ các bước và phải lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và các địa phương; xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp với từng địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng quy định, đạt hiệu quả cao.
*Ông Đào Minh Hường- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: "XDNTM là dân làm, Nhà nước hỗ trợ và dân hưởng lợi"
Quá trình thực hiện Chương trình XDNTM có thể hiểu là: Dân làm, Nhà nước hỗ trợ, dân hưởng lợi. Vì thế, các cấp chính quyền cơ sở cần phải tuyên truyền mạnh mẽ cho "chủ thể" là người dân, giúp họ nhận thức được điều này. Tuy nhiên, ở một số địa phương cán bộ lãnh đạo không chủ động, trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; không tích cực tuyên truyền để khuyến khích người dân tham gia XDNTM, cũng như tạo sự đồng thuận để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chẳng hạn, những vấn đề không cần đến kinh phí như vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giáo dục con cái không vi phạm pháp luật... thì không thể trông chờ vào Nhà nước được, mà phải từ ý thức của mỗi người dân. Nhận thức của người dân là rào cản cần được tháo gỡ thì mới có thể triển khai thực hiện thắng lợi các tiêu chí về XDNTM ở từng địa phương.
*Thạc sĩ Phan Tấn Hiếu- Trưởng khoa Lý luận Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Chính trị tỉnh): "Phát triển kinh tế tập thể góp phần vào việc hoàn thành XDNTM"
Mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt của Chương trình XDNTM là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Do đó, phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), có vai trò hết sức quan trọng để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, để hoạt động HTX đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến độ XDNTM, cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, đồng thời có những bước đi phù hợp để các mô hình HTX được thay đổi về chất một cách bền vững. Thực tế cho thấy, XDNTM gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể là một chiến lược quan trọng và có tác động tích cực đến hoàn thành việc XDNTM của địa phương.
*Ông Nguyễn Tấn Bảy- Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành): "Lãnh đạo xã phải kiên trì vận động nhân dân XDNTM"
Chúng tôi coi trọng việc tuyên truyền vận động nhân dân qua nhiều kênh thông tin để người dân trong xã nắm bắt được chủ trương về XDNTM. Qua các hình thức tuyên truyền như họp dân, thông báo qua đài phát thanh xã... giúp người dân biết được mình là chủ thể và là người hưởng lợi. Ngoài ra, vào những buổi tối cuối tuần, lãnh đạo xã chúng tôi kiên trì đi vận động nhân dân về thực hiện chủ trương xây dựng các tiêu chí về NTM. Chính quyền vừa tuyên truyền, vừa triển khai những việc làm cụ thể để làm điểm, giúp bà con thấy được lợi ích mà làm theo. Xã xác định, nơi nào còn khó khăn vướng mắc thì kiên trì vận động nhân dân, nơi nào thuận lợi thì đẩy mạnh triển khai.
*Chị Nguyễn Thị Kim Phát- thôn An Ba (Hành Thịnh, Nghĩa Hành): "Không để lợi ích riêng của gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển của thôn, xã"
Thấy bà con tự nguyện nhường đất để mở rộng đường, gia đình chúng tôi cũng vui vẻ làm theo mặc dù phải hiến trên 50m2 đất vườn, phá bỏ tường rào cổng ngõ, sau đó xây lại mất hơn 20 triệu đồng. Đất đai ông bà để lại rất quý giá nhưng vì công việc chung của xã, thôn nên gia đình tôi sẵn sàng làm theo chủ trương chung của xã. Mình muốn có đường lớn, đi lại thuận lợi thì mình phải góp đất, góp công sức để cùng nhau làm. Không thể vì lợi ích riêng của gia đình mình mà ảnh hưởng đến sự phát triển của xã, thôn.