Từ ngày 21.3 đến 12.4 vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã thành lập 7 đoàn công tác liên ngành kiểm tra 7 vùng thi đua nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tại Tây Ninh (vùng 5), sau khi làm việc với Sở GD-ĐT, đoàn đã đến kiểm tra tại Trường mầm non Hiệp Ninh, Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông (Thị xã), Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Hoà Thành) và Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Tân Châu).
Mới đây, đoàn kiểm tra đã có thông báo đánh giá khái quát 4 năm thực hiện Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Theo đó, đoàn đánh giá cao việc Sở GD-ĐT Tây Ninh chủ động tham mưu và mời chuyên gia tập huấn cho giáo viên làm công tác tư vấn cho học sinh trong nhà trường. Ngoài ra, đoàn cũng hoan nghênh việc Tây Ninh đẩy mạnh phong trào xã hội hoá, trong đó có việc Công đoàn ngành đã vận động quyên góp trong hơn 3 năm qua được hơn 61 tỷ đồng, có cá nhân ủng hộ trên 700 triệu, thậm chí có người ủng hộ 2,5 tỷ đồng. Đó chính là kết quả của sự đổi mới nhận thức về giáo dục - điều kiện, nhu cầu để thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở địa phương.
Đoàn kiểm tra rất ấn tượng trước các hoạt động phong trào của Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh
Theo Bộ GD- ĐT, trong gần 4 năm thực hiện phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực, nhận thức và sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp ngày càng sâu sắc hơn; Cảnh quan, môi trường nhà trường được cải thiện; Mối quan hệ trong nhà trường và với phụ huynh, học sinh ngày càng thân thiện hơn; Đảm bảo “Ba đủ” tốt hơn, giảm tỷ lệ bỏ học; Đổi mới phương pháp dạy và học là khâu then chốt năng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; Hoạt động tập thể được đổi mới theo hướng tăng cường sự tham gia của học sinh; Bước đầu tổ chức rèn luyện kỹ năng sống.
Tuy nhiên, ở một số nơi ngành Giáo dục chưa chủ động tham mưu, chưa chỉ đạo sâu sát, tham gia phong trào hoặc tham gia hời hợt, hình thức. Một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa nhận thức đúng về mục đích, yêu cầu, nội dung của phong trào thi đua, chỉ tập trung vào dạy chữ, vào kết quả thi lên lớp, thi học sinh giỏi, tuyển sinh mà giảm nhẹ phần giáo dục kỹ năng, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Sự phối hợp của các ban ngành ở một số địa phương mới chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo, chưa có chuyển biến mạnh mẽ ở cơ sở giáo dục. Công tác phối hợp kiểm tra, đánh giá kết quả phong trào còn chưa thường xuyên, chưa xây dựng được mô hình thực hiện tốt ở mỗi cấp học, mỗi địa phương.
Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình, sáng kiến kinh nghiệm còn yếu. Nhiều nơi chưa phát huy được điểm mạnh, chưa có nét riêng mang dấu ấn tốt, sáng tạo của địa phương trong triển khai thực hiện phong trào.