Sức lan tỏa từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

 8613 lượt xem
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã và đang thực hiện sâu rộng, có hiệu quả thiết thực đối với cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. 
Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng của anh Hoàng Đình Sáng, thôn 3, xã Hợp Tiến (Triệu Sơn, Thanh Hóa) có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Đã có hàng chục nghìn hộ nông dân vượt khó, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, biết khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Để tạo phong trào rộng khắp, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, cùng với xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phát động phong trào thi đua từ tỉnh đến cơ sở, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các tiêu chuẩn quy định, hình thức khen thưởng đối với hộ gia đình SXKDG, Thường trực Hội Nông dân tỉnh chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên; ký kết các chương trình phối hợp, liên doanh, liên kết với các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ nông dân. Thông qua hệ thống trung tâm hỗ trợ nông dân các huyện, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với mạng lưới khuyến nông mở hàng ngàn lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho hàng trăm ngàn lượt hội viên tham gia. Liên kết với các doanh nghiệp phân bón trong và ngoài tỉnh đầu tư chậm trả trên 55.000 tấn phân bón các loại cho nông dân; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho cán bộ, hội viên nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mua sắm máy móc, thiết bị vật tư nông nghiệp. Đến tháng 4-2012, đã có hơn 237.800 hội viên được vay vốn với tổng dư nợ 3.868 tỷ đồng. 
 
Theo đánh giá của Thường trực Hội Nông dân tỉnh, phong trào nông dân thi đua SXKDG đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng cả về chất lượng và quy mô, từ đó giúp bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về vốn, lao động, đất đai để phát triển kinh tế. Nhiều ngành nghề, mô hình mới được du nhập và phát triển; nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa được hình thành, phát triển, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Khắp các địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều gia đình nông dân SXKDG thành lập được công ty TNHH, doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển sản xuất hàng hóa theo hình thức trang trại, gia trại. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, đồng thời là lực lượng tích cực tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo về vốn, kỹ thuật, giống, kinh nghiệm trong sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có gần 4.160 trang trại, tạo việc làm ổn định cho khoảng 47.190 lao động. Hàng năm, số hộ đăng ký thi đua và trở thành hộ nông dân SXKDG các cấp ngày càng tăng. Đến hết năm 2011, toàn tỉnh có trên 214.200 hộ đạt tiêu chí gia đình nông dân SXKDG các cấp, trong đó cấp tỉnh, cấp trung ương hơn 5.100 hộ; gần 390 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm; 142 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên... Nhiều tổ chức cơ sở hội đã có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia các phong trào do hội cấp trên và địa phương phát động. Tiêu biểu như Hội Nông dân xã Phú Lộc (Hậu Lộc) đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây trồng có tiềm năng, giá trị kinh tế cao như dưa hấu, ngô ngọt, ngô bao tử, ớt... vào gieo trồng, với thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm; du nhập nghề khâu bóng xuất khẩu. Hay như nhiều hộ nông dân xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) đã mạnh dạn nuôi ba ba gai và rùa câm cho giá trị kinh tế cao. Hiện tại, toàn xã có gần 200 hộ nuôi các loại con đặc sản. Ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch Thành, cho biết: Phong trào nông dân thi đua SXKDG đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nhiều mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao như cá rô đầu vuông, cá trê đồng, chồn lông đen... được bà con nông dân đưa vào sản xuất; năm 2011 toàn huyện phát triển thêm được 470 trang trại các loại. Ngoài ra, hội còn phát động hội viên nông dân tích cực thực hiện đổi điền, dồn thửa và đến tháng 4-2012, toàn huyện đã hoàn thành 96% kế hoạch đổi điền, dồn thửa, trong đó có khoảng 45% số hộ có diện tích 1 thửa, còn lại là 2 thửa.
 
Phong trào nông dân thi đua SXKDG đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia, từ đó tác động mạnh mẽ tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, với tinh thần “tương thân, tương ái”, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đến nay các gia đình có điều kiện về kinh tế đã giúp đỡ được hàng ngàn hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, trong đó không ít hộ vươn lên trở thành hộ khá giả, với thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm.
 
 
Ý kiến của bạn