Thẩm quyền tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng: Cần thống nhất chung

 6564 lượt xem
(BTĐKT)-Thi đua, khen thưởng là một trong những công cụ quản lý quan trọng của Nhà nước; là một lĩnh vực quan trọng trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; là biện pháp cơ bản để đánh giá kết quả công việc, đánh giá những cố gắng, những thành tích, quá trình hoạt động và đóng góp của tập thể và cá nhân. 

Những năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua đã phát triển sâu rộng trong cả nước, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Công tác khen thưởng dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên hiện nay, đó là một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc Luật Thi đua, Khen thưởng và văn bản hướng dẫn về thẩm quyền tổ chức, trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Luật thi đua, Khen thưởng, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng11 năm 2003 (được sửa đổi bổ sung năm 2005) đã quy định rõ thẩm quyền quyết định trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo cơ quan, tổ chức ở trung ương của đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tặng Bằng khen, Cờ thi đua, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, Ðơn vị quyết thắng, danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương”. Các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng cũng được Chính phủ và các bộ ngành liên quan ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện thống nhất trên cả nước. Các văn bản trên cũng một lần nữa nhắc lại thẩm quyền quyết định trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các cấp phải thực hiện thống nhất theo Luật Thi đua, Khen thưởng. Theo đó, thẩm quyền quyết định tặng cờ thi đua, bằng khen chỉ có 2 cấp có thẩm quyền quyết định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.
 
Thực tế hiện nay, việc thực hiện các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng đã không được triển khai đồng bộ, nhất là ở các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể). Hiện nay, ở các tổ chức này, tồn tại song song 2 cấp có thẩm quyền ra quyết định tặng cờ thi đua và bằng khen (cấp Trung ương và cấp tỉnh). Thậm chí, có tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương đã ủy quyền cho tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh được công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh ủy quyền cho cấp huyện được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến. 
 
Tình trạng phổ biến hiện nay ở các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, đó là cuối năm bình xét thi đua khen thưởng được phân bổ chỉ tiêu, theo đó, số lượng tập thể, cá nhân được đề nghị tặng cờ thi đua và bằng khen sẽ được phân bổ theo cả 3 tuyến (tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương, cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Tình trạng song song tồn tại cờ thi đua và bằng khen ở 2 cấp của tổ chức chính trị - xã hội hiện nay đã làm giảm đi ý nghĩa trang trọng của các danh hiệu thi đua và hình thức hình thức vốn thuộc thẩm quyền của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương.
 
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 13 tháng 10 năm 2011, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã ban hành Công văn số 1782/BTĐKT-VI về việc giải đáp một số ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chỉ rõ: “Hiện nay có một số đơn vị như đoàn thể cấp tỉnh, tập đoàn kinh tế, tổng công ty… ban hành hình thức bằng khen, kỷ niệm chương, cờ thi đua là không đúng thẩm quyền. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thực hiện”. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục.
 
Thi đua, khen thưởng là một chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp, không thể không nói đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện công tác này. Việc quán triệt và thực hiện những quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đã được quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng cần được thực hiện thống nhất. 
 
Trần Danh Nam
 
Ý kiến của bạn