Ý nghĩa của thi đua yêu nước theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 9427 lượt xem
(BTĐKT) - Sáng ngày 8.6, tại Hà Nội, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương – Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì Hội thảo Khoa học: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước”. Dự hội thảo có đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Trung ương; TS. Chu Văn Đạt, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; ThS Lê Duy Sớm, CVCC, Hàm vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng đại diện các cơ quan liên quan. 
Đồng chí TS. Chu Văn Đạt, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương (bên trái); Đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đang chỉ đạo hội nghị.

Cách đây 64 năm, ngày 11 tháng 6 năm 1948 Chủ tịch Hồ chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc - Kể từ đó ngọn cờ tư tưởng thi đua ái quốc của Người đã trở thành phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay lời dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” vẫn giữ nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và mang tính thời sự sâu sắc. 

Được sự chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước” nhằm nghiên cứu làm sáng tỏ những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và vị trí, vai trò tác dụng to lớn của thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong 64 năm qua và vận dụng vào thực tiễn thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập phát triển hiện nay. Đồng thời, tạo ra động lực mạnh mẽ cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong cả nước phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ; gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và tiếp tục cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
Quang cảnh hội thảo.
 
Bằng nhiều cách tiếp cận khoa học, các tham luận đã làm rõ hơn Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người là linh hồn và khởi xướng, tổ chức và chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước ở nước ta. Các tham luận đã chỉ ra vai trò, động lực và những đóng góp to lớn của phong trào thi đua yêu nước đối với từng thời kì của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt 64 năm qua. Thông qua đó, các tham luận đã nêu lên nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho phong trào thi đua yêu nước và kiến nghị những giải pháp đổi mới về quản lý nhà nước đối với công tác thi đua, khen thưởng, những đề xuất về sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng của nước ta trong giai đoạn hiện nay.  
 
Trên cơ sở đó, các tham luận đã phân tích, khẳng định giá trị đúng đắn, những đóng góp sáng tạo vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển lí luận Mác-Lênin về thi đua XHCN, khi Người nêu lên quan điểm có tính nguyên tắc: “Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc”, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để khởi xướng, phát động, tổ chức, xây dựng phong trào thi đua thành phong trào thi đua yêu nước của dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu, lí tưởng của Đảng ta. Và đặc biệt là làm sáng tỏ hơn hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự tất yếu, vị trí, nội dung, phương pháp tổ chức và ý nghĩa của thi đua yêu nước là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới trong việc cải tạo con người và xã hội cũ, xây dựng con người và xã hội mới XHCN ở nước ta. 
 
Tại buổi hội thảo, thông qua các báo cáo tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học đã làm rõ và sáng tỏ sự tất yếu, vị trí, mục đích, nội dung, cách thức, ý nghĩa của thi đua yêu nước theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để có chủ trương, quan điểm và tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước nhằm tập hợp, vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, hòan thành các nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện lịch sử mới. Các phong trào thi đua yêu nước phải gắn với việc thực hiện các mục kinh tế- xã hội với mục tiêu xây dựng con người XHCN trên cơ sở thấu suốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và làm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua phải toàn dân, toàn diện, lâu dài, rộng khắp, không chỉ trong thời gian này, không chỉ riêng ngành nào, nhóm người nào để tổ chức phong trào thi đua yêu nước.
 
Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan tình hình thực tế của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong thời kì đổi mới, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý đã đề xuất với Đảng, Nhà nước một số kiến nghị để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, những chính sách khen thưởng và nhấn mạnh tới mục tiêu thi đua nhằm xây dựng một xã hội mới và con người mới XHCN ở nước ta theo đúng chủ trương đường lối của Đảng. Các tham luận đều chỉ rõ sự cần thiết phải thực hiện sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, mà trước hết và quan trọng nhất là phải có quan điểm, thái độ đúng về phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục cổ vũ động viên, tổ chức nhân dân tích cực tham gia các phong trào yêu nước. Hội thảo được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” và tiếp tục cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự thành công của Hội thảo khoa học nhân kỉ niệm 64 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, càng có thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đây là những đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu tòan quốc lần thứ XI và cũng là hành động thiết thực kỉ niệm 64 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc của cán bộ công chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
 
Nguyễn Văn Vượng
 
Ý kiến của bạn