TĐKT - Từ ngày 24 - 26/12, Đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại tỉnh Hậu Giang. Đoàn công tác do đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng TĐKT Trung ương, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương làm Trưởng đoàn; cùng đi có các đồng chí lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, chuyên viên của Ban TĐKT Trung ương. Trong dịp này, Ban TĐKT Trung ương tổ chức 2 đoàn công tác tại tỉnh Hậu Giang và An Giang, đoàn đi khảo sát thực tế nhiều mô hình tại cơ sở nhằm trao đổi kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" trong thời gian tới.
Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Hậu Giang có các đồng chí: Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng điều phối; Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang; Lê Phước Thái, Giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Ban TĐKT tỉnh…
Lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang chụp hình lưu niệm với đoàn công tác của Ban TĐKT Trung ương.
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 12/01/2016 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và tiếp tục tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chung được kế thừa từ giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ mới có tính đột phá nhằm xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.
Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra. Ban chỉ đạo các cấp đã kịp thời ban hành kế hoạch, chương trình hành động và phân công cụ thể cho từng thành viên. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác của Ban chỉ đạo tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh cơ bản thực hiện tốt vai trò là thành viên ban chỉ đạo, chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Ban hành chương trình, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện theo lĩnh vực được phân công; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; thường xuyên nắm bắt cơ sở để kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; hằng năm tổ chức đánh giá, công nhận, tái công nhận đối với các tiêu chí mà ngành được phân công phụ trách…Từ đó, đã góp phần thực hiện thắng lợi trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình.
Tỉnh đã phát động các phong trào, nhiều mô hình hay, hiệu quả, hưởng ứng phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, phối hợp thống nhất thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở tích cực thực hiện. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả như: “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường“, “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu“, “5 không - 3 sạch”, “Mô hình xóa trắng ấp nghèo“ (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang); mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), Sở Công thương phát động kế hoạch “Ngành Công thương chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Song song đó, cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” luôn được Ban chỉ đạo phong trào tỉnh quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa thông qua cuộc thi “Mô hình có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên trong xây dựng nông thôn mới tại gia đình”, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phát động phong trào “Tuổi trẻ Hậu Giang chung tay xây dựng nông thôn mới”... Qua đó, nhận thức của cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt, xây dựng nông thôn mới đang trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã khen thưởng cho 107 tập thể và 1094 cá nhân có nhiều cống hiến trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Từ những chủ trương, chính sách, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ chăm lo cho người dân trong phát triển sản xuất, chăm lo cho đời sống văn hóa, tinh thần, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đã giúp cho người dân nông thôn yên tâm sản xuất; cùng với những chính sách chăm lo đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể... góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao giá trị lao động cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người/năm các xã nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cuối năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người (tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015).
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành một phong trào nòng cốt, trọng tâm đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở địa phương, thu hút được người dân và cộng đồng hăng hái tham gia. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới chuyển biến rõ nét. Nhiều cán bộ thực sự tâm huyết, trách nhiệm cao với phong trào. Người dân có ý thức trong xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, đời sống người dân được nâng lên.
Đạt được kết quả trên là nhờ có sự quan tâm trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của mỗi địa phương, đơn vị; có nhiều sáng kiến, cách làm hay. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế. Phong trào thi đua đã đi vào đời sống, được các cấp, các ngành hưởng ứng và người dân nhiệt tình ủng hộ, tích cực tham gia. Thông qua việc triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế mô hình trồng khóm (dứa) tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt xã Hỏa Tiến có 4 sản phẩm OCOP chế biến từ khóm (dứa), đã góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại thu nhập ổn định.
Tham quan mô hình trồng khóm (dứa) và 4 sản phẩm được chế biến từ khóm (dứa)
Đoàn cũng thăm quan mô hình trồng nhãn của gia đình ông Trần Văn Đôi, ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A. Gắn bó với nhãn gần chục năm qua, nhờ giống cây trồng này mà kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Ông Đôi cho biết: “Hiện nay gia đình tôi có hơn 1ha trồng được 700 gốc nhãn, mỗi năm đạt khoảng 150 tấn nhãn. Sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng hơn 200 triệu đồng. Nhưng để nhãn đạt năng suất cao, khoảng 200kg/gốc, chúng tôi phải học hỏi nhiều nơi, rút kinh nghiệm qua từng năm.”
Đoàn công tác đi thực tế khảo sát mô hình trồng nhãn của gia đình ông Trần Văn Đôi, ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, Huyện Châu Thành A
Đoàn công tác trao đổi với gia đình ông Trần Văn Đôi về mô hình trồng nhãn
Bên cạnh đó là mô hình chăn nuôi ba ba của bà Trương Ánh Nguyệt, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A. Hiện trang trại nuôi cua đinh và ba ba của bà Nguyệt rộng hơn 1,5ha, được chia thành nhiều khu như: Khu nuôi thương phẩm, khu sinh sản cho cua đinh và ba ba, khu nuôi dưỡng con giống... Bình quân mỗi năm bà xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 cua đinh thương phẩm, còn ba ba xuất bán khoảng 2 tấn, chủ yếu cho các nhà hàng và quán ăn. Ngoài nuôi ba ba và cua đinh, bà Nguyệt còn đứng ra thành lập HTX nuôi cua đinh, ba ba Thạnh Lợi xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, với hơn 20 thành viên do bà làm giám đốc. Ban đầu bà cung cấp cua đinh và ba ba bố mẹ cho các thành viên nuôi theo hình thức trả chậm qua nhiều năm. HTX xuất bán khoảng 20 tấn ba ba thịt và 5.000 con cua đinh giống và 15.000 con ba ba giống đem lại lợi nhuận trước thuế 1,5 tỷ đồng.
Mô hình chăn nuôi ba ba của bà Trương Ánh Nguyệt ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A.
Tại mô hình nuôi cá tra của công ty TNHH Thuận Hưng tại xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, ông Trần Văn Phong, quản lý của công ty cho biết: Công ty kiểm soát từ đầu ra và đầu vào từ con giống, thức ăn cho đến truy xuất cá thành phẩm. Hiện nay công ty có khoảng 30ha nuôi cá tra.
Đoàn công tác trao đổi về mô hình nuôi cá tra tại công ty TNHH Thuận Hưng tại xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy
Mô hình nuôi cá tra của công ty TNHH Thuận Hưng tại xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy
Tại thành phố Ngã Bảy, Đoàn công tác cũng đã tham quan mô hình văn hóa cộng đồng tại ấp Đông Bình, xã Tân Thành. Đây sẽ là nơi học tập, hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân, từ đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, phấn khởi trong nhân dân ngay từ địa bàn dân cư.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang kiến nghị Trung ương sớm ban hành văn bản triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 (tỉnh, huyện, xã); văn bản quy định hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025. Kiến nghị Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương sớm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025.
Qua các buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Toàn, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao hiệu quả của các mô hình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đồng thời ghi nhận kết quả đạt được trong các phong trào của tỉnh, tiếp thu tổng hợp ý kiến của các cơ quan, chính quyền cũng như các hộ dân, HTX để báo cáo, đề xuất trong nội dung hướng dẫn trong giai đoạn tới.
Xuân Phúc