Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ“Giải pháp đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đối với Bộ, ngành Trung ương”

 1697 lượt xem
 

Ngày 29/12/2020, tại trụ sở Bộ Nội vụ, Viện Khoa học tổ chức nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đối với Bộ, ngành Trung ương” do CN. Lê Hoàng Yến, Chuyên viên chính, Vụ Thi đua – Khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương làm chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu (Hội đồng) có 07 thành viên do PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn, Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước làm Chủ tịch.

                     PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu

Tại buổi nghiệm thu, CN. Lê Hoàng Yến, Chuyên viên chính, Vụ Thi đua – Khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương thay mặt cho Nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài. Theo Nhóm nghiên cứu, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật Thi đua, Khen thưởng được sửa đổi năm 2013 được ban hành, công tác thi đua, khen thưởng tại các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực hiện có hiệu quả, tạo động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng đất nước. Các quy định về thi đua, khen thưởng từng bước được hoàn thiện, nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác thi đua, khen thưởng tại các Bộ, ngành Trung ương còn một số vướng mắc, bất cập, chồng chéo gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, việc đưa ra các giải pháp để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng tại các Bộ, ngành Trung ương là cần thiết, giải quyết được những vấn đề tồn, tại khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

CN. Lê Hoàng Yến thay mặt Nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài

Đánh giá kết quả đạt được của Đề tài, Hội đồng cho rằng Nhóm nghiên cứu đã đã nêu được tính cấp thiết của đề tài, mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi, phương pháp nghiên cứu. Tại Chương 1, Nhóm nghiên cứu đã tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận về thi đua, khen thưởng trên cơ sở quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ điển Tiếng Việt và Luật Thi đua, khen thưởng. Từ đó, đưa ra cái nhìn khái quát về các khái niệm “thi đua”, “khen thưởng”, “công tác thi đua, khen thưởng”, “giải pháp đổi mới thi đua, khen thưởng”. Trên cơ sở đó, Nhóm nghiên cứu, đã nêu lên được sự cần thiết phải có các giải pháp đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đồng thời khái quát nội dung, vai trò của các giải pháp đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đối với Bộ, ngành Trung ương.

Trong Chương 2, Nhóm nghiên cứu đã đánh giá một cách tương đối khái quát thực trạng bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng tại các Bộ, ngành Trung ương, đánh giá những kết quả đạt được cũng như chỉ ra một số hạn chế, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân của hạn chế, bất cập. Các nội dung trình bày bám sát quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và tình hình thực tế qua khảo sát tại một số Bộ, ngành Trung ương. Ngoài ra, tại Chương 3 Nhóm nghiên cứu đã nêu được các nhiệm vụ mà các Bộ, ngành Trung ương cần thực hiện trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ đề ra, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các nhóm giải pháp để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đối với các Bộ, ngành Trung ương. Các nhóm giải pháp khá toàn diện, đồng bộ, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tuy nhiên có những giải pháp để thực hiện được cũng còn gặp nhiều khó khăn, cần có sự tham gia của các chủ thể, khách thể và cần có thời gian để tổ chức thực hiện.

           TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nhận xét phản biện Đề tài

Bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên của Hội đồng cũng cho rằng Nhóm nghiên cứu cần lưu ý tên Chương II nên cân nhắc bỏ từ “giải pháp” vì chương này tập trung làm rõ thực trạng về công tác thi đua, khen thưởng tại các Bộ, ngành Trung ương. Phần phương hướng, nhiệm vụ tại Chương III Nhóm nghiên cứu nên cân nhắc đưa về 02 nhóm, đó là “nhiệm vụ chung” và “nhiệm vụ cụ thể”, từ đó đưa ra giải pháp thực hiện gắn với nhiệm vụ đã nêu cho phù hợp, logic và có tính khả thi hơn. Nên thống nhất sau mỗi Chương thì nên có phần Tiểu kết. Về phạm vi, mục tiêu, nhiệm vụ cần chỉnh sửa cho phù hợp với tên Đề tài; phần lý luận cần khắc họa được nguyên tắc, quan điểm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của các Bộ, ngành Trung ương; phần giải pháp nêu định hướng còn sơ sài cần bổ sung nguyên tắc, cần luận giải có tính thuyết phục hơn; giải pháp tạo động lực cho công tác thi đua khen thưởng cần xem xét bổ sung thêm. Ngoài ra, cần sửa lại cách trình bày, lỗi chính tả,...

TS. Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban, Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương đại diện đơn vị chủ trì phát biểu

                                               Quang cảnh buổi nghiệm thu

Phát biểu kết luận buổi nghiệm thu, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự cố gắng của Nhóm nghiên cứu, cho rằng đây là công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, trực tiếp phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, có tính ứng dụng. Đề tài đã cơ bản đạt được mục tiêu, và hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra. Tuy nhiên, Nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng để bổ sung hoàn thiện các nội dung của Đề tài.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại: Trung bình./.

                                                                                                                                                                                      Tin,ảnh: Đỗ Hồng

 
Ý kiến của bạn