Xã Đại An đạt chuẩn nông thôn mới

 185 lượt xem
 

Là một xã thuộc diện nghèo nhưng bằng sự nỗ lực của Đảng bộ chính quyền, sự ủng hộ vào cuộc của nhân dân nên xã Đại An, huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) đã tạo ra sức mạnh đoàn kết, từng bước xây dựng NTM, góp phần quan trọng vào phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa phương.  Mới đây, xã Đại An vinh dự được trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. 

Đại An là xã miền núi của huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, có tổng diện tích hơn 911ha; dân số trên 3.600 khẩu với tổng số 899 hộ. Toàn xã có 1.797 lao động; trong đó 1.660 lao động có việc làm thường xuyên đạt 92,38%, có 478 lao động qua đào tạo đạt 27%.

Bắt tay vào xây dựng đề án từ năm 2011, Đại An gặp nhiều khó khăn, nền tảng kinh tế - xã hội thấp, xã thuần nông, chiếm xấp xỉ 80% dân số sản xuất nông nghiệp, dân chỉ quen canh tác với cây lúa, cây ngô, mặt bằng dân trí không cao… nên vấn đề tìm ra nguồn lực để huy động trong dân là một điều không dễ dàng.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại An đón bằng chứng nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xác định xây dựng nông thôn mới là của dân, lợi ích hướng đến là nhân dân trên địa bàn, chính quyền xã Đại An đã có những chính sách, phương án xây dựng đề án hợp lý, hợp lòng dân. Tính chủ thể của người dân trong xây dựng đề án được chính quyền xã, BQL đề án đề cao, coi trọng thông qua việc quán triệt phương châm “Thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra” ngay tại cơ sở và vận hành theo cơ chế phối hợp, song hành, giữa ban quản lý đề án và người dân trong công tác tham gia lao động, kiểm tra, gắn trách nhiệm người dân vào công trình, dự án... phát huy giá trị, sự hiệu quả của từng chương trình đề án.

Hướng đến mục tiêu vì dân của đề án được chính quyền xã cụ thể trong việc chú trọng, khuyến khích kinh tế phát triển thông qua việc hỗ trợ người dân tham gia sản xuất, chăn nuôi; quan tâm đến chỉ số mặt bằng kinh tế chung của người dân. Trên cơ sở này xã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm xóa dần khoảng cách giàu nghèo, tạo sự công bằng, dân chủ của dân khi hưởng lợi đề án. Cũng chính nhờ những chủ trương đúng, tạo lập được lòng tin ở dân nên việc triển khai, thực hiện đề án được đông đảo người dân nhiệt tình ủng hộ, tham gia đóng góp, biểu hiện ở việc người dân tham gia hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp vật chất, công sức lao động để xây dựng các công trình thiết thực của đề án.

Nhờ những bước đi đúng đắn, những chính sách hợp lý, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền và lòng dân trên địa bàn xã nên Đại An đã gặt hái được những kết quả tích cực. Đặc biệt, người dân Đại An đã chủ động tham gia vào các hoạt động xây dựng NTM ở địa phương như: Bàn bạc phương án quy hoạch, xây dựng đề án, trực tiếp theo dõi, giám sát thi công các công trình, chủ động chỉnh trang nhà ở, cổng, sân vườn, ngõ xóm, đóng góp kinh phí làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng…

Từ chỗ mới có 5/19 tiêu chí ban đầu đạt, đến nay, xã Đại An đã đạt 19/19 tiêu chí; 49/49 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ngoài nguồn vốn ngân sách, Đại An đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với tổng số tiền gần 56,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa và người dân đóng góp bằng ngày công, hiến đất... đạt trên 22 tỷ đồng.

Đến nay, 100% các tuyến đường liên xã, liên thôn, nội đồng được bê tông hóa và cứng hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận lợi; hệ thống thủy lợi chủ động phục vụ sản xuất đạt trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ người dân được dùng điện lưới an toàn đạt 100%; số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 93%; thương mại dịch vụ phát triển… công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân được chú trọng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 100%; xã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; tỷ lệ hộ nghèo còn 11,6%; thu nhập bình quân đạt 36,8 triệu đồng/người/năm....

Những năm qua, xã Đại An có chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư; phát triển hàng hóa liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm; quy mô sản xuất, các mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt cho sản phẩm, năng suất, chất lượng cao; từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường. Sản xuất thương mại – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, tăng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế chung của toàn xã….

Với những nỗ lực đó, mới đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại An vinh dự đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; bằng công nhận trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ I; xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

                                                                                                                                                                                                     Ngọc Anh

 
Ý kiến của bạn