Hạ Hòa hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày, miền đất xưa kia vẫn được mệnh danh là quê của ngô, khoai, sắn nay đang vươn mình trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Cùng với nhiều chương trình, phần việc và sự đồng thuận của nhân dân, Hạ Hòa đã xây dựng được những mô hình điểm trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phát triển du lịch - cơ hội thoát nghèo
Cùng với di tích quốc gia thờ Quốc Mẫu, Hạ Hòa có một hệ thống các di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu như: Đền Nguyễn (xã Vụ Cầu), đền Chu Hưng (Ấm Hạ); đình Trắng (xã Hậu Bổng), đền Thượng (xã Đan Thượng); đình Phú Yên (xã Bằng Giã); đền Đức Thánh Bà (thị trấn Hạ Hòa)... và còn rất nhiều di tích lịch sử cách mạng khác. Chính vì thế, trong lộ trình xây dựng NTM ở Hạ Hòa, lãnh đạo chính quyền địa phương đã xác định, phát triển du lịch là một lợi thế và là cơ hội thoát nghèo.
Để làm được điều này, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong những năm qua, phát huy sức mạnh của toàn dân trong việc chung tay xây dựng NTM, Hạ Hòa đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Từ việc phát huy vai trò và ý thức gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa tại các xã, đến việc mỗi người dân và khu dân cư không ngừng quảng bá, phát huy tiềm năng du lịch vốn có ở địa phương mình với du khách thập phương. Cũng từ đó, trong mỗi dịp lễ hội, những nét sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống tưởng như bị lãng quên nay đã được đông đảo người dân phục hồi và đưa vào lễ hội, những ẩm thực là đặc sản của cư dân Hạ Hòa đã được người dân duy trì và quảng bá với du khách.
Đồng thời, ở mỗi điểm du lịch, các tệ nạn như ăn xin, cờ bạc, cướp bóc, chèo kéo khách hầu như không còn. Điều đó làm cho mỗi địa điểm du lịch ở Hạ Hòa thực sự là nơi lý tưởng cho du khách. Ông Lê Đình Loan, một người dân tại Ấm Hạ - Hạ Hòa tâm sự: Xây dựng NTM bằng cách phát triển du lịch địa phương không chỉ là niềm tự hào mà còn là cơ hội thoát nghèo của người dân chúng tôi.
Thanh niên xung kích
Một trong những hoạt động làm thay đổi diện mạo của địa phương còn là phong trào thanh niên tình nguyện chung sức cùng cộng đồng. Với lực lượng trên 22.000 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), trong đó, ĐVTN nông thôn chiếm đa số, những năm qua, Đoàn Thanh niên huyện Hạ Hòa đã xác định được vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc phát huy vai trò xung kích, tiên phong đi đầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với sức trẻ và khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, tuổi trẻ Hạ Hòa đã hăng hái tham gia phong trào hành động “4 đồng hành với thanh niên lập nghiệp, 5 xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội”. Bám sát sự chỉ đạo của Huyện Đoàn, các cơ sở Đoàn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, đoàn viên thanh niên tham gia vào các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế thông qua nhiều hình thức hỗ trợ ngày công, cây, con giống, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Để ĐVTN có kinh nghiệm, BCH huyện Đoàn Hạ Hòa đã mở hàng chục lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho trên 1.000 lượt thanh niên tham gia, duy trì và nhân rộng các mô hình thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế.
Đến nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của thanh niên cho thu nhập từ 50-200 triệu đồng/năm như mô hình nuôi thuỷ sản của đoàn viên Nguyễn Viết Long xã Lệnh Khanh, mô hình nuôi nhím ở xã Quân Khê, mô hình nuôi lợn rừng, cầy hương ở xã Hà Lương... Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, Hạ Hòa được đánh giá là địa phương thành công trong việc ứng dụng mô hình chế biến sơ chế sản phẩm gỗ ván ép. Trong đó, lực lượng đoàn viên thanh niên nông thôn tham gia lập mô hình ngay tại địa phương chiếm tỷ lệ cao. Nhờ sự năng động, được vay vốn và môi trường thuận lợi, ĐVTN ở các xã đã "ly nông” để làm giàu ngay tại quê nhà. Hiện nay, cả huyện có tới trên 40 xưởng chế biến gỗ tư nhân, trong đó nhiều nhất là các xã như Ấm Hạ, Gia Điền, Phương Viên. Số hộ ĐVTN có thu nhập từ 30-35 triệu đồng/tháng không phải là hiếm. Không những thế, các xưởng gỗ này còn tạo việc làm tại chỗ cho ĐVTN ở địa phương, giúp họ không phải đi làm ăn xa và có thu nhập ổn định từ 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Bằng những cách làm sáng tạo và hiệu quả, mỗi một cơ sở Đoàn - Hội, mỗi một người dân ở Hạ Hòa hôm nay đang đồng lòng trong lộ trình xây dựng NTM.