Để thi đua, khen thưởng là động lực phát triển

 7591 lượt xem
Trong chúng ta không ai không muốn mình được khen thưởng. Nhưng khen thế nào để vừa khuyến khích người được khen, lại vừa lôi kéo, cổ vũ người khác mới là điều đáng quan tâm. 

Thực tế lâu nay công tác thi đua khen thưởng cũng đã có tác dụng phần nào trong việc động viên, cổ vũ cá nhân, tổ chức phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên ai cũng có thể nhận thấy là việc khen thưởng còn mang tính hình thức, nặng thành tích. Khi nói về thi đua nhiều ý kiến cho rằng các phong trào còn hình thức, chưa có tác dụng trong thực tế, dù phát động rầm rộ nhưng vẫn khó khăn khi đi vào cuộc sống. Trong khen thưởng thì “còn nặng cho lãnh đạo và cán bộ, nhẹ cho quần chúng nhân dân”. Trong một cơ quan đơn vị khen cho lãnh đạo thì nhiều mà khen cho nhân viên và người lao động sản xuất trực tiếp thì ít. Có những tổ chức, cá nhân cuối năm tổng kết, hầu như hội nghị nào cũng lên bục nhận bằng khen, giấy khen, huân huy chương. Có thể nói việc khen thưởng hiện nay còn tràn lan, nhất là vào dịp cuối năm hoặc ngày truyền thống, ít khen thưởng thường xuyên và đột xuất. Một số tập thể cá nhân được đề nghị khen thưởng nhưng thành tích không thực sự nổi bật, tiêu biểu, không có tác dụng nêu gương để học tập trong cơ quan, đơn vị và nhân dân. Thậm chí “nhiều anh hùng lao động được tôn vinh xong là chìm luôn không ai nhắc đến”.

Từ thực tế đó, đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng để tạo động lực phát triển. Theo đó, mỗi phong trào thi đua ngoài việc xác định rõ chủ đề, nội dung, hình thức gắn với thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thì cần xác định được tiêu chí thi đua, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể. Đối với các cơ quan này tiêu chí thi đua cần xác định rõ phòng, ban và cá nhân nào có sáng kiến, cải tiến nâng cao hiệu suất công việc, có điểm mới nổi bật so với năm trước là tiêu chí đầu tiên, đồng thời có tính đến khối lượng công việc hoàn thành để xem xét khen thưởng.
 
Việc khen thưởng phải bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khen thưởng lần sau không nhất thiết phải cao hơn lần trước. Khi xét khen thưởng không chỉ căn cứ điều kiện, thời gian mức khen lần trước mà cần lựa chọn những trường hợp tiêu biểu, xuất sắc nhất trong những tập thể, cá nhân có đủ điều kiện để đề nghị khen thưởng. Các doanh nghiệp, doanh nhân được đề nghị khen thưởng phải phải bảo đảm sản xuất kinh doanh phát triển, hiệu quả, thực hiện đúng quy định nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các chế độ, chính sách, pháp luật khác.
 
Cần chuyển từ hình thức khen thưởng cuối năm là chủ yếu sang khen thưởng thường xuyên, đột xuất. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thi đua thường xuyên, theo chuyên đề, thi đua ngắn ngày.Thông qua đó chủ động phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, những gương người tốt, việc tốt, người lao động giỏi, lao động sáng tạo, gương dũng cảm cứu người trong đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng lãng phí… để khen thưởng. Để làm tốt công tác khen thưởng thường xuyên, đột xuất, các cơ quan đơn vị và bộ phận làm công tác thi đua phải theo dõi, phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, hoặc thông qua báo chí để phát hiện mô hình mới, nhân tố mới. Đồng thời chú ý đến công tác tuyên truyền, công bố rộng rãi việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích  trong toàn thể cơ quan, đơn vị hoặc qua thông tin đại chúng. Có như thế khen thưởng mới kịp thời, mới có sức lan tỏa và công tác thi đua mới thực chất, có tác dụng tích cực.
 
 
Ý kiến của bạn