Tuyên Quang: Cả cộng đồng cùng vào cuộc xây dựng nông thôn mới

 10073 lượt xem
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau hai năm thực hiện (từ năm 2010 đến nay), Chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng cả về kinh tế - xã hội và kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở. 

Kết quả bước đầu

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có trên 80% dân số sống trong khu vực nông thôn, kinh tế nông, lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Do xuất phát điểm thấp, sản xuất hàng hóa chậm phát triển, qua rà soát 129 xã trong tỉnh chưa có xã nào đạt đủ 19 tiêu chí NTM. Song, từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và cả hệ thống chính trị vào cuộc đã tạo nên sự chuyển biến sâu sắc. Sau 2 năm thực hiện, lộ trình, bước đi của Chương trình đã dần rõ nét. 
 
Để tập trung nguồn lực cho xây dựng NTM, năm 2011, tỉnh đã huy động nguồn vốn lên tới 315,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cấp từ chương trình 18,7 tỷ đồng, chiếm 6%, còn lại là huy động và lồng ghép các chương trình, dự án năm 2011. Ngoài ra, các chương trình, dự án có nguồn vốn nước ngoài, vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh cũng đang được triển khai thực hiện và ưu tiên đầu tư vào các xã điểm thực hiện xây dựng NTM.
 
Từ nguồn vốn này đã phục vụ đắc lực cho Chương trình xây dựng NTM, nhất là việc triển khai thực hiện ở 7 xã điểm của tỉnh, gồm: Xã Thượng Lâm (Lâm Bình), xã Năng Khả (Nà Hang), xã Kim Bình (Chiêm Hóa), xã Bình Xa (Hàm Yên), xã Nhữ Hán (Yên Sơn), xã Đại Phú (Sơn Dương) và xã An Khang (TP Tuyên Quang). Với sự sáng tạo trong tổ chức thực hiện, các xã điểm của tỉnh đã tìm ra những khâu đột phá, điển hình như xã An Khang huy động nguồn lực hỗ trợ, nâng cấp nhà văn hóa, sân thể thao; xã Bình Xa tập trung vào sản xuất hàng hóa; xã Kim Bình huy động nguồn lực làm đường bê tông. Một số xã điểm đã đạt kết quả tốt về một số lĩnh vực như: Xây dựng hạ tầng thiết yếu (đường giao thông nội đồng kết hợp dân sinh tại xã Nhữ Hán; kiên cố hóa hệ thống kênh mương, thủy lợi ở các xã Đại Phú, An Khang, Thượng Lâm); phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa với mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc, chăn nuôi gà an toàn sinh học, vay bò trả bê, trồng đậu tương, rau vụ đông ở các xã Kim Bình, Năng Khả, Đại Phú, Bình Xa, An Khang, Nhữ Hán; hỗ trợ các HTX An Khang, Bình Xa, Năng Khả, Thượng Lâm mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm dịch vụ cho nhân dân...
 
Nông dân xã Phúc Ứng (Sơn Dương) thu hoạch lúa lai vụ xuân năng suất đạt 65 tạ/ha.
 
Các mô hình xây dựng NTM tại 7 xã là điểm sáng thu hút sự quan tâm của các địa phương trong tỉnh đến thăm quan, học hỏi và là căn cứ để Ban Chỉ đạo rút kinh nghiệm chỉ đạo thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án ở các xã điểm đã được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai cho các xã còn lại trên địa bàn các huyện, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 80/129 xã hoàn thành quy hoạch và đang trong quá trình thẩm định phê duyệt; 49 xã đang xây dựng quy hoạch, gồm huyện Hàm Yên 12 xã, Yên Sơn 10 xã và Sơn Dương 27 xã. Có 95 xã đã được phê duyệt đề án xây dựng NTM; 34 xã còn lại, gồm huyện Lâm Bình 7 xã, Yên Sơn 5 xã, Sơn Dương 21 xã và thành phố Tuyên Quang 1 xã, đang xây dựng đề án và phấn đấu hoàn thành phê duyệt trong tháng 6 này.  
 
Những kết quả trên cho thấy, việc đề ra và chỉ đạo triển khai các mô hình thí điểm xây dựng NTM ở tỉnh là chủ trương đúng đắn, đã khơi dậy và huy động được nguồn lực đáng kể cho xây dựng NTM, nhất là nguồn lực tại chỗ. Kết quả đạt được ở mỗi xã tuy có khác nhau, nhưng bộ mặt nông thôn có bước cải thiện đáng kể. Kết quả đó không dừng lại ở số xã đạt bao nhiêu tiêu chí mà quan trọng hơn là giúp cho Ban Chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với mục tiêu và điều kiện kinh tế - xã hội nông thôn của tỉnh giai đoạn hiện nay và các năm tới.
 
Lựa chọn đúng khâu đột phá
 
Điển hình trong việc thực hiện các nội dung xây dựng NTM của ở tỉnh ta là kết quả thực hiện Đề án bê tông hóa đường GTNT gắn với tiêu chí về giao thông. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua hơn một năm triển khai thực hiện, chủ trương bê tông hóa đường GTNT đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong cả tỉnh, được nhân dân và các địa phương quan tâm, ủng hộ và tích cực triển khai. Theo thống kê, tổng số tiền đã đầu tư bê tông đường GTNT đến nay là gần 380 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 228 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 150 tỷ đồng, doanh nghiệp và hộ dân ủng hộ 1,08 tỷ đồng, chưa kể đóng góp vật liệu và hiến đất làm đường. Sau hơn 1 năm thực hiện (từ đầu năm 2011 đến hết tháng 5-2012), toàn tỉnh đã bê tông hóa gần 900 km đường GTNT, đạt 41% kế hoạch của 5 năm (2011-2015). Điển hình trong phong trào làm đường GTNT phải kể đến các xã: Mỹ Bằng, Trung Môn (Yên Sơn), An Khang, Tràng Đà (TP Tuyên Quang), Kim Bình (Chiêm Hóa), Yên Phú (Hàm Yên), Năng Khả (Nà Hang), Đại Phú (Sơn Dương).
 
Nuôi cá lồng nghề mới ở các xã vùng cao Nà Hang.
 
Chương trình bê tông hóa đường GTNT đã phát huy vai trò chủ thể chính của người dân trong xây dựng NTM. Đó là trí tuệ, sức lực, sự sáng tạo và nguồn lực trong dân để hoàn thiện những con đường bê tông. Nhiều tấm gương hiến đất làm đường rất đáng được biểu dương, như: Hộ ông Nguyễn Văn Đáng, thôn Ninh Hòa 2, xã Ninh Lai (Sơn Dương) hiến hơn 2.000m2; hộ ông Nguyễn Văn Ngụ, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) và hộ bà Nguyễn Thị Hiền, thôn Hồ, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) đóng góp 7 triệu đồng và hiến hơn 200m2 đất... Thực hiện bê tông hóa đường GTNT người dân và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thấy được rõ hơn trách nhiệm của mình trong phong trào này.
 
Qua Chương trình bê tông hóa đường GTNT đã phát huy vai trò sáng tạo và cách làm hay của nhân dân. Thực hiện bê tông hóa GTNT là hướng đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững; khuyến khích sản xuất phát triển và lưu thông hàng hóa thuận lợi, làm cho bộ mặt nông thôn nhanh chóng được đổi mới. Chương trình GTNT còn là cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực không chỉ riêng của nhà nước, mà có cả các tổ chức, cá nhân và nhân dân đóng góp. 
 
Chung tay tháo gỡ khó khăn
 
Xây dựng NTM là Chương trình lớn cấp quốc gia có nội dung phong phú, toàn diện, phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên qua 2 năm thực hiện cũng đã bộc lộ những hạn chế.
 
 Một số địa phương và người dân nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình cũng như vai trò của chủ thể trong xây dựng NTM. Nhiều xã còn áp dụng máy móc, dập khuôn, thiếu linh hoạt, không huy động được sức sáng tạo của cộng đồng. Ngay cả chương trình bê tông hóa đường GTNT mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn những tồn tại. Một số địa phương chưa có phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm đường GTNT. Cụ thể trong năm 2011 còn 4 xã gồm: Khau Tinh, Đà Vị (Nà Hang), Thượng Lâm (Lâm Bình) và Lương Thiện (Sơn Dương) và 254 thôn đã đăng ký làm đường GTNT nhưng chưa thực hiện được. 5 tháng đầu năm 2012, một số huyện triển khai vận động nhân dân đóng góp chậm dẫn đến kế hoạch của năm đã đề ra đạt kết quả thấp như: Lâm Bình 3/20km, đạt 15,3% KH; Nà Hang 4,5/25km, đạt 18,3% KH; Chiêm Hóa 12,6/80 km, đạt 15,7% KH.
 
Bà con xóm Hồ, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) làm đường bê tông nông thôn.
 
Các đề án xây dựng NTM cấp xã nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất, tăng thu nhập, văn hóa và môi trường; và mới chú trọng nhiều đến xây dựng các công trình cấp xã mà chưa quan tâm đúng mức tới các công trình ở thôn, bản hoặc ở hộ nông dân. Nhiều xã còn lúng túng trong việc tìm kiếm nguồn lực cho xây dựng NTM, ỷ lại, trông chờ vào vốn ngân sách Nhà nước; số ít cán bộ trong Ban chỉ đạo xã lúng túng chưa biết lựa chọn thứ tự ưu tiên nội dung thực hiện xây dựng NTM. Về công tác phát triển sản xuất, nhìn chung các xã mới chỉ tập trung cho xây dựng quy hoạch và lập đề án. Việc sản xuất vẫn theo kế hoạch hàng năm, chưa có chuyển biến rõ rệt, chưa tạo ra các mô hình tổ chức sản xuất mới gắn nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ; chưa gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
 
Trong xây dựng NTM đã bước đầu chú trọng đến tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề nhìn chung chưa gắn với các dự án, chương trình và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cũng như yêu cầu thực tế của các địa phương.
 
Dẫu còn những tồn tại, hạn chế nhưng nếu nhìn vào điều kiện thực tế của địa phương thì mới thấy những kết quả mà tỉnh đạt được trong 2 năm xây dựng NTM là rất đáng ghi nhận. Bởi xuất phát điểm để thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn thấp, nhất là về hạ tầng kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân nông thôn. Rà soát đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí cho thấy hầu hết các xã chỉ đạt 4 đến 5 tiêu chí, thậm chí có xã không đạt tiêu chí nào. Nguồn lực để thực hiện các tiêu chí về NTM là rất lớn trong khi tỉnh ta là tỉnh nghèo, nguồn lực trong dân hạn chế; thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào khu vực nông thôn còn rất khó khăn.
 
Xây dựng NTM là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhằm cải thiện đời sống nhân dân, tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển và bảo vệ môi trường sinh thái khu dân cư. Vì vậy cần tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện, chung sức xây dựng NTM. Việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của nhân dân và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM phải được chú trọng thường xuyên. Trong chỉ đạo thực hiện cần chú ý, phát triển nông thôn, đồng thời phải quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nông thôn ở mỗi địa phương. Sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành về xây dựng NTM tạo sự gắn kết bền chặt trong tiến trình hội nhập và phát triển vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
 
Bà Nguyễn Thị Định, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực XDNTM tỉnh
 
Xây dựng nông thôn mới cần sự chung tay, gắn kết
 
Sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Tuyên Quang đã lựa chọn lộ trình, cách làm phù hợp. Qua rà soát đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn cho thấy xuất phát điểm của tỉnh còn thấp. Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ; sản phẩm nông sản chưa gắn với thị trường. Việc đầu tư chế biến nâng cao giá trị sản phẩm còn ít. Để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV đã có Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, tiếp tục lựa chọn bê tông hóa giao thông nông thôn làm khâu đột phá; chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; vận động nhân dân chỉnh trang khuôn viên khu dân cư, đường làng, ngõ xóm xanh, sạch. Huy động các nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM như: Lồng ghép các nguồn vốn chương trình, dự án; huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nhân dân. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm hay, khơi dậy sự năng động, sáng tạo trong dân. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và tập trung phát triển sản xuất nâng cao đời sống và chú trọng phát triển sản xuất hàng hóa, sử dụng nguồn vốn chương trình đảm bảo hiệu quả, thiết thực. 
 
Ông Phạm Văn Quang, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải
 
Tiếp tục tăng nguồn lực thực hiện chương trình
 
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục chỉ đạo và đẩy mạnh thực hiện Đề án bê tông hóa đường GTNT. Chú trọng tuyên truyền những kinh nghiệm trong triển khai chương trình đến tất cả các thôn, bản và toàn dân. Tập trung đánh giá cụ thể những việc đã làm được, chưa làm được; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc thực hiện bê tông hóa GTNT. Lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các chương trình, dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân nông thôn, Chương trình 135 giai đoạn 3. Tiếp tục huy động các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn, các tổ chức và doanh nghiệp địa phương đóng góp vật liệu, tiền, thiết bị hỗ trợ các xã khó khăn về khai thác, vận chuyển vật liệu thực hiện bê tông hóa đường GTNT. 
 
 
Ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
 
Hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng NTM
 
Chương trình xây dựng NTM đã được các hội viên nông dân tỉnh tích cực tham gia. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã có 99.220 hộ đăng ký đạt gia đình nông dân văn hóa; 77.304 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; tham gia sửa chữa, nạo vét 1.460 km kênh mương, sửa chữa 28,5 km đường GTNT, làm mới 158 km đường GTNT. Cùng với đó, các cấp hội đã triển khai chương trình cho hội viên nông dân vay phân bón NPK vụ mùa 2012 theo phương thức trả chậm; chỉ đạo hướng dẫn thực hiện xây dựng 3 công trình vệ sinh và hầm bể Biogas tại xã điểm NTM Kim Bình (Chiêm Hóa). Đến nay, đã khởi công xây dựng được 544/859 công trình, trong đó xây dựng xong 291 công trình gồm: 81 nhà tắm, 77 nhà tiêu, 86 chuồng chăn nuôi, 47 hầm bể Biogas. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động các hội viên nông dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. 
 
Ông Phạm Tiến Tạo, Trưởng phòng Kiến Trúc - Quy hoạch, Sở Xây dựng
 
Quy hoạch NTM có sự đóng góp của người dân
 
Trong quá trình xây dựng NTM, công tác quy hoạch có vai trò quan trọng, đi trước một bước và có sự đóng góp của người dân về những đặc điểm tự nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống... gắn với kinh tế, xã hội, môi trường, sinh thái, khí hậu, thổ nhưỡng. Do công tác quy hoạch có ảnh hưởng rất lớn tới dân sinh, nên người dân thường xuyên được cung cấp các thông tin về quy hoạch. Người dân tham gia, cụ thể hóa ý tưởng và hướng phát triển nông thôn theo quy hoạch, mà ở đó có đầu tư công của Nhà nước, có điều kiện để dân làm, dân canh tác, dân sản xuất, dân trồng trọt, dân sinh sống, dân hưởng lợi thì quy hoạch đó mới khả thi.
 
Ông Hoàng A Di, Trưởng thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng, Yên Sơn
 
Làm tốt khâu quản lý và thi công đường
 
Thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) có 56 hộ đồng bào Mông từ vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang chuyển về định cư năm 2004. Năm 2011, với phương châm nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống; dân bỏ công và tiền mua vật liệu, thôn Mỹ Hoa đã hoàn thành tuyến đường bê tông dài gần 1 km, rộng 4 m. Cách làm của thôn Mỹ Hoa là họp bàn thống nhất mỗi khẩu góp 2 ngày công lao động và 150 nghìn đồng để mua vật liệu. Khi tiến hành làm đường, các gia đình đều phải nhốt gia súc, gia cầm; mặt đường chưa khô đến địa phận nhà nào, nhà ấy có trách nhiệm trông nom. Đường đổ bê tông làm sau 5 ngày mới cho người đi bộ đi qua; 10 ngày mới cho xe máy đi qua và tròn 1 tháng ô tô mới cho đi. Nhờ làm tốt khâu quản lý và thi công, tuyến đường bê tông của thôn Mỹ Hoa được xã đánh giá là một trong những tuyến đường rộng và đẹp nhất xã.
 
Ông Vương Mạnh Hùng, nông dân thôn An Lộc B, xã An Khang, TPTQ
 
Khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa nông sản
 
Tuyến đường vào Phi Thờ, thuộc thôn An Lộc B, xã An Khang (thành phố Tuyên Quang) dài 700 m, có 3 hộ đi chung, trong đó có 1 hộ nghèo. Được nhà nước cấp xi măng và ống cống, 3 gia đình ở đây rất mừng đã đăng ký với thôn quyết tâm làm 700 m đường bê tông. Được thôn, xã ủng hộ, riêng gia đình tôi đã thuê máy ủi về hạ thấp độ dốc, mở rộng mặt đường đảm bảo rộng 3,5m và mua nguyên liệu cát, sỏi trên 50 triệu đồng. Cả 3 gia đình còn được bạn bè, anh em giúp ngày công đổ bê tông mặt đường. Trước đây, mỗi khi có mưa tuyến đường này đi lại rất khó khăn, nhưng từ khi làm xong đường bê tông, 3 gia đình chúng tôi ngày nào cũng vận chuyển từ 500- 600 quả trứng và hàng chục kg gà, vịt ra bán ở thành phố. Con đường bê tông đã thực sự giúp nông dân khai thác tiềm năng đất đai, sản xuất ra nhiều hàng hóa nông sản.
 
 
Ý kiến của bạn