Cần có những điển hình có khả năng lôi cuốn, cổ vũ cho cả bậc học, cả ngành GD

 6839 lượt xem
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị giao ban lần thứ 3 cụm thi đua vùng 7 gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh được tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng ngày 26.6. Theo Bộ trưởng, hiện nay, trong thi đua khen thưởng, đơn vị xuất sắc, tiên tiến thì nhiều nhưng những điển hình có khả năng lôi cuốn, tạo sự cổ vũ cho cả bậc học, cả ngành thì hầu như rất ít. Ngay việc tổ chức thi đua theo cụm, vùng như hiện nay cũng cần phải nghiên cứu tổ chức như thế nào cho có hiệu quả, tránh hình thức. 
Toàn cảnh hội nghị.

Năm học 2011 - 2012, 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đều đã hoàn thành xuất sắc 15 chỉ tiêu thi đua của năm học. GD&ĐT của 5 thành phố đều đạt thêm những thành tích mới, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển KT - XH ở địa phương. Với chủ trương đổi mới nội dung giao ban thi đua cụm, vùng 7 đã tổ chức các hội thảo, sinh hoạt chuyên đề để trao đổi những sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý giáo dục; việc xây dựng các giải pháp phát triển giáo dục tại địa phương, xây dựng những mô hình giáo dục tiên tiến mà mỗi Sở đã tổ chức triển khai hiệu quả với những kết quả nổi bật. Đơn cử như Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh với: “Xây dựng mô hình trường tiên tiến, chất lượng cao” và “Đổi mới công tác tuyển sinh ở các lớp đầu cấp”; Sở GD&ĐT Cần Thơ với “Công tác tổ chức Hội khỏe Phù Đổng”; Sở GD&ĐT Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và “Xây dựng mô hình trường học hoạt động theo phương thức cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao”; Sở GD&ĐT Hà Nội với “Giáo dục nếp sống Thanh lịch - Văn minh cho học sinh phổ thông Hà Nội” và “Triển khai một số nội dung mới trong lĩnh vực phát triển, quản lý ngành học GDCN; hoạt động CLB quản lý GDCN vùng 7”; Sở GD&ĐT Hải Phòng với “Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh”.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Cụm trưởng cụm thi đua vùng 7 thì ngành GD&ĐT các địa phương đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD toàn diện đã được thực hiện đồng bộ; hiệu quả, chất lượng GD được giữ vững và nâng cao… Kỳ thi HS giỏi quốc gia, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu với tổng số 125 giải; Hải Phòng: 78 giải; Đà Nẵng: 63 giải; TP Hồ Chí Minh: 58 giải và Cần Thơ: 18 giải. Kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế tổ chức tại Nam Phi, Hà Nội có 6/6 em dự thi đều đạt giải, trong đó 3 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Lần đầu tiên học sinh Hà Nội tham gia Hội thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông  (Itel ISEF) đã có được 28 sản phẩm nghiên cứu đạt giải quốc gia, trong đó đề tài thuộc nhóm nghiên cứu của học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đại diện cho Việt Nam đã đoạt giải Nhất lĩnh vực Kỹ thuật điện và Cơ khí tại cuộc thi Intel ISEF quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ (tháng 5/2012). Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2012 của các thành phố tiếp tục có chuyển biến tốt, Hải Phòng: 99,82%; Cần Thơ: 99,68%; Đà Nẵng: 99,53% và Hà Nội: 98,24%.
 
Các Sở GD&ĐT trong vùng đã đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng. Hà Nội đã tổ chức 2 đợt đánh giá ngoài cho 99 trường; Hải Phòng: 30 trường; Cần Thơ: 06 trường. Công nhận đạt chuẩn cấp độ 3, Hà Nội có 67 trường; Hải Phòng: 30 trường; TP Hồ Chí Minh: 03 trường. Ngoài ra các Sở bước đầu tham gia khảo sát chính thức đầu ra lớp 2, lớp 5 theo chương trình PASEC. Theo ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ GD Trung học, thì ngành GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc trung ương cũng là những địa phương đi đầu trong việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy - học; công tác thanh tra; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dạy kỹ năng sống cho HS...
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương của 5 thành phố lớn đối với những chủ trương của ngành GD. Chẳng hạn như việc thực hiện NĐ115 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương thì một mình Bộ GD&ĐT không làm được. Bộ trưởng đánh giá, GD&ĐT 5 thành phố trực thuộc TW có nhiều thành tựu, có sự cân đối giữa tăng trưởng về số lượng và đảm bảo chất lượng GD, có nhiều điển hình, nhiều bài học có thể nhân rộng trong toàn ngành. Thế nhưng, theo như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ngành GD&ĐT cũng nên thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như: Tuy làm được nhiều việc, có chiều rộng nhưng chưa có chiều sâu, chưa bền vững nên hiệu quả còn thấp. 
 
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Những đòi hỏi của nhân dân, công luận đối với ngành GD là so với yêu cầu của thực tế cuộc sống chứ không phải là so với ngày hôm qua, so với kế hoạch. Nếu ý thức được điều này thì mới có thể có những giải pháp thực chất để tạo được sự đột phá”.
 
 
Ý kiến của bạn