Hệ thống chợ: Vì nhân dân

 9071 lượt xem
Hệ thống chợ Vĩnh Long hình thành từ rất sớm, so với khu vực ĐBSCL. Trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, đến nay, theo chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước, chợ đã trở thành trung tâm kinh tế, đồng thời là điểm văn hóa, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn qua từng giai đoạn. 

Từ xưa đến nay, thương nghiệp Vĩnh Long thực sự là động lực quan trọng, tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống của người dân. Với điều kiện thiên nhiên, đất đai trù phú, thuận lợi Vĩnh Long được xem là “vườn cây của Nam Bộ”, với mũi nhọn là trồng lúa và vườn cây. Đồng thời, Vĩnh Long còn phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông thủy bộ để phục vụ cho việc vận chuyển giao thương hàng hóa, nối với toàn vùng. 

Với nhiều biến cố lịch sử chiến tranh, Vĩnh Long mất dần sự cân đối cho đến 1990 trở đi, lưu thông hàng hóa mới đáp ứng phần nào nhu cầu kinh tế thị trường, thông qua các trung tâm buôn bán, các chợ nông thôn. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đầu tư, khai thác và quản lý chợ nên đã có nhiều thành phần kinh tế tham gia, thúc đẩy nhanh quá trình nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại.

Chợ Nhơn Phú (Mang Thít) đã chuyển đổi mô hình quản lý

Chủ trương xây dựng nông thôn mới, đã hướng đến việc hình thành nên các chợ có chất lượng tốt, cùng với những cơ chế hoạt động phù hợp sẽ góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, hạ tầng nông thôn, nâng cao hơn nữa đời sống nông dân; góp phần làm giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Đến nay, toàn tỉnh có 92 chợ loại 3 và các điểm họp chợ. Sở Công thương hỗ trợ 22 xã điểm xây dựng chợ nông thôn mới, 6 tháng đầu năm 2011, sở đã đầu tư xây mới và nâng cấp cho 9 chợ nông thôn, với số vốn khoảng 10 tỷ đồng.

Năm 2011, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xây dựng mới và mở rộng 16 chợ nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho các chợ quá tải, chợ đầu mối, chợ nằm trên tuyến quốc lộ vi phạm hành lang an toàn giao thông. Các huyện, thành phố lập danh mục các dự án phát triển chợ trên địa bàn để kêu gọi đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có quỹ đất phù hợp với quy hoạch phát triển chợ, thực hiện liên doanh liên kết với các nhà đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác kinh doanh chợ.

Các huyện: Trà Ôn, Long Hồ, Tam Bình, Vũng Liêm… Tổ chức khảo sát lại nguồn thu chợ, để thực hiện phương thức chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp. Thực hiện phương thức giao khoán nguồn thu đối với chợ loại 3 ở các xã vùng nông thôn sâu. Sau khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, các chợ Vĩnh Xuân (Trà Ôn), Trung Hiếu (Vũng Liêm), Trường An (TP Vĩnh Long) đã thành lập Ban quản lý chợ, tổ chức sắp xếp lại chợ theo từng ngành hàng, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, từng bước xây dựng phong cách kinh doanh văn minh thương nghiệp cho tiểu thương.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ đã phát triển các loại hình dịch vụ chợ như: Hỗ trợ vốn, dịch vụ kho - bến bãi, bốc xếp - vận chuyển hàng hóa, dịch vụ đóng gói bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường kiểm tra hàng hóa, giá cả… Đồng thời, thường xuyên cung cấp thông tin cho người kinh doanh, người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, thu hút khách đến chợ. Qua đó, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển thương mại đa dạng ở chợ gắn với phát triển các dịch vụ vận chuyển hàng hóa, quảng cáo, liên kết trao đổi hàng hóa giữa các chợ… Từng bước hình thành kênh phân phối hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh của chợ truyền thống, phục vụ tốt hơn người tiêu dùng nông thôn.

 
 
Ý kiến của bạn