Anh Hưởng làm kinh tế trang trại

 9772 lượt xem
Được nghe nhiều người ở xã Trung Thịnh (Thanh Thủy, Phú Thọ) kể về Lê Đình Hưởng- một người không ngại khó, say mê với phát triển kinh tế trang trại để làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương, chúng tôi đã tìm đến trang trại của anh. 
Anh Hưởng đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín nuôi 50 lợn nái và 500 lợn thịt cung cấp cho thị trường.

Đường đến trang trại của anh Hưởng phải qua một cánh đồng. Ai đến đây cũng phải ngạc nhiên bởi giữa đồng chiêm mênh mông có một trang trại lớn mọc lên. Xung quanh ngôi nhà sàn khang trang là vườn cây, ao cá và khu chuồng trại được đầu tư xây dựng khá quy mô. Dáng người nhỏ nhắn, nước da đen sạm vì nắng và gió, thoạt nhìn không ai nghĩ rằng anh lại là chủ của một cơ ngơi hàng tỷ đồng. Tâm sự với anh, chúng tôi được biết, anh sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này. Học xong phổ thông, anh đi bộ đội. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự anh trở về địa phương và xây dựng gia đình. Vợ chồng anh đã phải trải qua bao nghề vất vả từ kéo lưới đến đóng gạch, lái xe công nông, xe ô tô bán tải rồi làm lò vôi. Cho đến khi mọi người chuyển sang dùng xi để xây dựng, vôi của anh không còn tiêu thụ được nữa. Sau bao đêm trăn trở tìm cách làm giàu anh đã quyết định làm kinh tế trang trại. Lúc đầu, anh nhận thầu gần 2.000 m2 của xã để múc đất làm ao, đổ đất làm đường vào trang trại. Với nhu cầu mở rộng diện tích, anh nghĩ cần phải dồn đổi ruộng đất cho bà con trong xã. Trước đó, gia đình anh có 7 sào ruộng rải rác ở các xứ đồng, anh đã dồn đổi cho bà con về một nơi. Anh Hưởng cho hay, việc dồn đổi ruộng đất cũng gặp không ít khó khăn,  có lúc anh đã phải chịu thiệt khi đổi  ruộng của gia đình có thửa 12 thước lấy ruộng có 9 thước để thu về một mối. Mỗi năm anh tích tụ  thêm một ít, đến nay trang trại của anh có diện tích 2,4 ha. Cùng với nuôi thả cá, lúc đầu anh nuôi 100 con lợn giống địa phương. Khi thăm quan, học hỏi ở một số nơi như: Vĩnh Phúc, Hà Nội… thấy lợn máu ngoại, siêu nạc dễ bán hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín quy mô trên 50 lợn nái và 200 con lợn thịt. Hiện nay anh đang xây dựng thêm chuồng trại nuôi thêm 300 con lợn thịt. Với 4 ao cá, tổng diện tích hơn 4.000 m2, anh đầu tư nuôi các loại cá giống mới cho hiệu quả kinh tế cao như: Cá rô phi đơn tính, chép lai 3 máu. Trong đó có 1 ao nuôi 400 con ba ba. Hiện nay trong chuồng của gia đình anh còn nuôi 200 con gà mái đẻ. Anh đã đầu tư mua máy ấp trứng tận thành phố Hồ Chí Minh để có sản phẩm gà con cung cấp ra thị trường. Để giảm chi phí, chủ động thức ăn cho gia súc gia cầm, anh đã đầu tư mua 1 xe ô tô bán tải chuyên chở thức ăn mua tại nhà máy về để chăn nuôi.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi sai trĩu quả, anh Hưởng bộc bạch: “Vườn bưởi có 600 gốc, đã có 400 gốc cho thu hoạch như năm ngoái thu gần 100 triệu đồng. Trước đây anh đã từng trồng xoài nhưng giá thấp, khó tiêu thụ anh chuyển sang trồng vải nhưng vải lại thường hay mất mùa. Vì thế, anh đã lặn lội xuống Hà Nội học tập cách trồng bưởi Diễn. Thấy bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ, anh đã mua thử mấy cây về trồng. Vui mừng khi đất quê anh lại phù hợp với giống bưởi này anh đã mua thêm bưởi về trồng”.
 
Bằng nguồn vốn tích lũy của gia đình, vốn vay ngân hàng, anh em bạn bè, đến nay anh đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng vào trang trại. Tuy mới là thành công bước đầu nhưng mỗi năm gia đình anh đã thu 400-500 triệu đồng từ trang trại.
 
Thật tình cờ, chúng tôi đến trang trại của anh Hưởng đúng dịp 5 chủ trang trại khác cùng trên địa bàn xã đang đến đây tụ họp. Các anh cho biết, anh Hưởng là người tiên phong trong phát triển kinh tế của địa phương. Từ mô hình kinh tế trang trại của anh mà các anh em khác đã học tập làm theo. Hàng tháng “Câu lạc bộ chủ trang trại” của xã lại gặp mặt tại trang trại của anh để trao đổi kinh nghiệm và còn giúp nhau về giống, vốn để phát triển sản xuất.
 
 
Ý kiến của bạn