Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua tỉnh Hòa Bình đang huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân và các nguồn lực để dồn sức thực hiện bảo đảm các tiến độ đề ra theo đúng kế hoạch.
Có thể nói, việc xây dựng NTM ở các tỉnh đồng bằng còn gặp khó khăn thì đối với tỉnh miền núi Hòa Bình dường như những khó khăn đó càng nhiều hơn. Do đặc thù là một tỉnh miền núi với địa hình phức tạp, giao thông đi lại còn nhiều hạn chế, dân cư phân bố không đồng đều làm công tác khảo sát số liệu cho quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các vùng nông thôn trong tỉnh phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, việc bố trí đất sản xuất, hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội còn mang tính tự phát, chính vì thế nên công tác quy hoạch xây dựng NTM chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Điển hình như xã Hiền Lương huyện Đà Bắc là xã điểm về xây dựng NTM của tỉnh Hòa Bình. Mặc dù vậy, đến nay Hiền Lương mới đạt được sáu tiêu chí về điện, bưu điện, giáo dục, văn hóa, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội. Khó khăn lớn nhất của xã hiện nay trong xây dựng NTM là trình độ của cán bộ các cấp chính quyền xã, xóm không đồng đều. Thêm vào đó, do địa bàn của xã nằm trên vùng lòng hồ có nhiều đồi núi dốc, nên việc quy hoạch, chỉnh trang các khu dân cư, các công trình xây dựng cơ bản, giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn còn gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng và kinh phí quy hoạch, đầu tư.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy “Về xây dựng NTM tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020”, BCĐ tỉnh, các huyện, thành phố và 144 xã đã được thành lập và kiện toàn phù hợp với hướng dẫn của BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trung ương. 100% xã thành lập BQL và 100% thôn, bản thành lập Ban phát triển thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 1 xã đạt 11 tiêu chí, 4 xã đạt 10 tiêu chí, 13 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí, 47 xã đạt từ 5 - 7 tiêu chí và 126 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong tổng số 191 xã đã và đang triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch xây dựng NTM có 65 xã đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung; 29 xã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, 58 xã đã hoàn thành quy hoạch đang trình thẩm định phê duyệt, 39 xã đang thực hiện và đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Theo đó, tỉnh được BCĐ T.Ư đánh giá và xếp ở tốp trung bình trong tiến độ thực hiện chương trình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là trong quá trình triển khai thực hiện chương trình còn bộc lộ không ít vướng mắc, khó khăn, hạn chế.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM, cán bộ văn phòng điều phối của tỉnh đều là cán bộ của Chi cục PTNT kiêm nhiệm, tương tự như vậy ở các huyện, thành phố, đội ngũ cán bộ các phòng NN&PTNT và phòng kinh tế không chỉ tham gia thực hiện chương trình mà còn phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn thường của phòng nên không đảm bảo sự chuyên sâu. Bên cạnh đó, các phương tiện, trang bị để phục vụ riêng cho chương trình nên rất thụ động nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng đề ra.
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 65 xã đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung, 29 xã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng tất cả vẫn đang nằm trong hồ sơ vì chưa được cấp kinh phí để cắm mốc. ông Quách Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ huyện Lạc Sơn cho rằng, quản lý quy hoạch là yêu cầu hết sức quan trọng, mà việc làm cần thực hiện cấp bách là cắm mốc các khu vực đã được quy hoạch chi tiết. Việc cắm mốc không chỉ thể hiện tính khả thi của quy hoạch và nếu không có kinh phí để triển khai sớm rất dễ dẫn đến tình trạng dân cư lấn chiếm, tái lấn chiếm, xây dựng trái phép khi công tác quản lý bị lơi lỏng. Nếu không cắm mốc sẽ không phân định ranh giới rõ ràng thì làm sao người dân biết được những vị trí nào đã nằm trong quy hoạch. Trong khi nhu cầu sử dụng đất phục vụ sản xuất, đời sống ngày càng nhiều. Vì vậy, sớm cấp kinh phí để cắm mốc quy hoạch là hết sức bức thiết.
Từ đặc điểm nông thôn ở các địa phương và khối lượng công việc còn lại trong năm nay cũng như những năm tiếp theo rất lớn. Để khắc phục tình trạng này Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoàng Văn Tứ cho rằng, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt chương trình xây dựng NTM, xem đây là công việc thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng với mọi hình thức phong phú để đông đảo nhân dân hiểu và tự nguyện tham gia. Phát động phong trào thi đua, tổ chức ký kết giao ước giữa các huyện, thành phố, giữa các xã xây dựng NTM nhằm tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, phát huy tính năng động, sáng tạo của từng địa phương. Nâng cao năng lực điều hành của cấp ủy, chính quyền xã và cán bộ tham gia ban quản lý thực hiện chương trình. Trước mắt cần tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ về nội dung, phương pháp quản lý, điều hành triển khai thực hiện đề án. Đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM phải bảo đảm tính khả thi trên cơ sở đạt được sự đồng thuận cao của chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư. Trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM cần phải lấy ý kiến góp ý của cộng đồng dân cư từ khâu khảo sát, lập danh mục đầu tư, xác định nguồn vốn đến khâu hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Trong quá trình thực hiện cần lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nội dung trong đề án để xây dựng kế hoạch thực hiện hợp lý, bảo đảm hoàn thành nội dung theo tiêu chí đã đề ra. Triển khai thực hiện tốt việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM.