Ðưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp ở Lạng Sơn

 10353 lượt xem
Những năm gần đây, bà con các dân tộc trong tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn đầu tư mua các loại máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động cho người nông dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới. 

Nằm gần sát dưới chân núi Mẫu Sơn, nơi có khu du lịch nổi tiếng của tỉnh, thôn Khòn Quắc I, Ðồng Bục (Lộc Bình), nơi có những cánh đồng tương đối bằng phẳng, thích hợp để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Anh Hứa Văn Sĩ, Trưởng thôn, Khòn Quắc I, hồ hởi nói: Nhà mình mua máy cày tay đã được hơn 12 năm nay, trước đây chưa có máy cày vất vả lắm, vụ sản xuất năm nào cũng muộn vì ít nhân lực, các con còn nhỏ lại đang tuổi ăn học, nhưng ngày nào cũng phải có người chăn trâu, khi vào mùa đông lại lo sợ trâu bị chết rét, không có cỏ ăn. Nhưng từ ngày có máy, công việc đồng áng trôi chảy, giảm rất nhiều công sức, chủ động được việc gieo cấy nhiều loại cây trồng khác như: khoai tây, dưa hấu, củ đậu, ớt..., nhờ vậy tăng thu nhập cho gia đình. Thấy được hiệu quả, tiện ích việc cơ giới hóa (CGH) sản xuất, đến nay toàn thôn Khòn Quắc I, có 33 ha ruộng, với 63 hộ dân, nhưng gần 100% số hộ có máy cày tay, có sáu máy tuốt lúa gắn động cơ... Về thôn Khòn Quắc I, vào nhà nào cũng thấy máy cày, máy xay xát để trước sân nhà, được che phủ bạt bảo quản. Ðường về thôn được trải bê-tông, những chiếc máy công nông được người dân lắp thêm bộ phận moóc, để vận chuyển hàng hóa nông sản ra chợ huyện. Anh Hứa Văn May, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðồng Bục, không giấu nổi niềm vui cho biết: Hầu hết các hộ dân trong xã đều được sử dụng điện lưới, có đến 90% số hộ nông dân mua được các loại máy cày, máy bơm, máy xay xát... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ðời sống của người dân ngày càng nâng cao.

Cũng như ở Ðồng Bục, xã giáp biên giới Tú Mịch (Lộc Bình) là điểm sáng về đưa cơ giới vào sản xuất. Tú Mịch có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 5.400 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 488 ha, còn lại đồi núi, thích hợp cho việc phát triển lâm nghiệp nhất là cây thông mã vĩ. Những năm qua, 100% diện tích đất canh tác đều được nông dân đưa giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nên hiện nay bình quân lương thực  đạt 589kg/người/năm. Có 80% số hộ dân có thu nhập từ việc khai thác nhựa thông và gỗ, mỗi năm từ 20 đến 50 triệu đồng. Cuộc sống ổn định, bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư các loại máy cơ giới phục vụ sản xuất. Chủ tịch UBND xã Ðịnh Văn Ðông nêu những con số đầy ấn tượng: Toàn xã có gần 700 hộ dân thì đã có hơn 589 máy cày, máy tuốt lúa, hơn 300 xe công nông chở hàng. Do điều kiện đường giao thông đi lại khó khăn, cách trung tâm huyện hơn 30 km, đường liên thôn, liên xã chủ yếu là đường dân sinh, nên để vận chuyển hàng hóa nông sản bà con đầu tư mua xe công nông để chở hàng.
 
Ðến huyện Bắc Sơn vào những ngày mùa, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi rõ rệt trên những cánh đồng lúa, hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau đã ít gặp,  thay vào đó là những chiếc máy cày tay, guồng máy tuốt lúa bằng động cơ... Anh Bàn Văn Tiến, ở thôn Bản Liếng (Long Ðóng) cho biết, gia đình anh đã mua máy cày tay để làm đất, trung bình một chiếc máy cày tay có thể vừa cày, vừa bừa được gần một mẫu ruộng/ngày. Ngoài ra, gia đình còn sử dụng máy tuốt lúa gắn động cơ để thu hoạch và vận chuyển lúa bằng moóc kéo... Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn Dương Thời Thịnh đưa ra con số cụ thể: Trên địa bàn huyện có hơn 17.900 máy cơ giới, bao gồm: máy cày tay, máy bơm,... trong đó máy tuốt lúa các loại có hơn 7.900 chiếc. Tính bình quân cứ hai hộ nông dân có một máy cày tay, khoảng năm đến bảy hộ có một máy bơm nước và các loại máy khác để phục vụ  việc thu hoạch, như: máy gặt liên hợp, máy xay xát, máy thái thức ăn gia súc, máy bóc lạc... Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn Trịnh Minh Ðức khẳng định: Phong trào CGH nông nghiệp trên địa bàn huyện đang phát triển nhanh, mạnh mẽ. Có được thành công trong phong trào này là nhờ sự chỉ đạo của Ðảng bộ, chính quyền, cùng với chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh về việc đầu tư, mua sắm các loại máy nông cụ cho người nông dân. Qua đó, làm thay đổi nhận thức của người dân, góp phần giải phóng sức lao động, giúp nông dân chủ động trong mùa vụ và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững.
 
Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành hai quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay tín dụng cho các hộ nông dân mua máy cày; máy bơm nước và máy chế biến, bảo quản nông, lâm sản sau thu hoạch, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ hiệu quả áp dụng máy móc cơ giới phục vụ sản xuất, những năm qua, nông dân các địa phương ở Lạng Sơn đã mạnh dạn vay vốn, hoặc tự đầu tư kinh phí mua sắm các loại máy cơ giới phù hợp như: máy cày, bừa loại nhỏ, máy bơm nước, máy xát, nghiền... đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Lương Kỳ Vồng cho biết: Ðến nay, các hộ nông dân trong toàn tỉnh đã đầu tư mua các loại máy chủ yếu: máy kéo công suất từ 12 CV trở xuống, máy tuốt lúa có động cơ, máy bơm nước, máy chế biến thức ăn thô... với tổng số hơn 66.240 chiếc, trong đó máy cày tay là 21.266 chiếc. Do địa hình đồi núi dốc, ruộng nương bậc thang, diện tích nhỏ, nên hầu hết các hộ nông dân đều mua các loại máy cơ giới phù hợp có công suất nhỏ, tháo lắp và di chuyển dễ, lại vừa túi tiền. Nhờ có sự đầu tư, hiện mức độ CGH nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt cụ thể: khâu làm đất đạt hơn 66,8%; bơm tưới nước đạt 43%; thu hoạch đạt 38,6%; khai thác, vận chuyển lâm nghiệp đạt từ 75% trở lên. Cả tỉnh hơn 641 cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm sản... Việc CGH trong nông nghiệp cũng đã hình thành các điểm dịch vụ cơ khí làm thuê, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy, góp phần giảm cơ cấu lao động trồng trọt, tăng cơ cấu lao động dịch vụ nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
 
Khẳng định hiệu quả đưa cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nông Ngọc Tăng nhấn mạnh: Ðây thật sự là cơ hội để người nông dân phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chỉ tính riêng việc CGH nông nghiệp trong khâu làm đất và thu hoạch đã giúp người dân tiết kiệm được sức lao động, giảm chi phí sản xuất do thời gian làm đất nhanh, thu hoạch gọn, đáp ứng yêu cầu thời vụ và thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
 
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có tổ chức, doanh nghiệp chế tạo máy sản xuất nông, lâm, thủy sản... Hầu hết các loại máy đều nhập từ nước ngoài, nên khi máy bị hỏng rất khó tìm các phụ tùng thay thế. Mặt khác, các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy nông nghiệp mới chỉ có ở các trung tâm cụm xã, thị trấn và việc vận hành các loại máy của người dân còn rất hạn chế. Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh trong thời gian tới cần mở các lớp đào tạo nghề cơ khí cho nông dân hiểu biết, để bảo quản, vận hành máy được an toàn, bền hơn.
 
 
Ý kiến của bạn