Thời gian qua, công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) của tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua các hoạt động TĐKT đã phát huy được vai trò của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, từ đó góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
Ngày 26/11/2003 tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Thi đua - Khen thưởng. Ngay sau khi Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản pháp quy hướng dẫn tổ chức thực hiện Luật được ban hành, UBND tỉnh đã tổ chức tập huấn, quán triệt đến Chủ tịch Hội đồng TĐKT và cán bộ làm công tác TĐKT các huyện, thành, thị, sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học thuộc khối thi đua của tỉnh. Để triển khai, thực hiện tốt công tác TĐKT, UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ thị, kế hoạch, chương trình trong từng giai đoạn cụ thể. Hàng năm, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức và phát động sâu rộng các phong trào thi đua đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh; đồng thời chỉ đạo các khối thi đua bám sát các kế hoạch, chương trình, từ đó cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, hình thức thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TĐKT cũng được quan tâm thực hiện. Cùng với đó tập trung tuyên truyền phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong xã hội. Công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng TĐKT, khối thi đua thuộc tỉnh được thường xuyên thực hiện. Bên cạnh việc phát động các phong trào thi đua thì công tác khen thưởng cũng đã được thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục theo quy định; đảm bảo tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được tác động tích cực lan tỏa trong toàn xã hội. Khen thưởng đã chú ý đến người lao động, các tập thể nhỏ và các thành phần kinh tế nước ngoài.
Từ khi Luật TĐKT có hiệu lực thi hành, công tác TĐKT đã có bước chuyển biến tích cực và dần đi vào thực chất. Chất lượng các phong trào thi đua của tỉnh ngày càng được nâng lên; phạm vi phát động các phong trào rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị. Thông qua các phong trào thi đua, đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, qua đó góp phần duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức khá; tạo nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực văn hóa, xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; đời sống nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, dân chủ ở cơ sở được phát huy.
Tuy nhiên, công tác thi đua và khen thưởng trong thời gian qua chưa thực sự gắn kết với nhau. Các phong trào thi đua chưa phát huy được hết sức mạnh. Công tác khen thưởng chưa thể hiện được vai trò là đòn bẩy cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TĐKT chưa chặt chẽ, thống nhất. Trình độ, năng lực quản lý, tổ chức, tham mưu của cán bộ chuyên trách TĐKT các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác chỉ đạo về TĐKT của các ngành, các cấp có lúc còn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến tuy đã được quan tâm triển khai thực hiện song vẫn còn mang tính hình thức. Một số địa phương, đơn vị chưa coi trọng khen thưởng cho cá nhân là những người trực tiếp công tác, lao động và sản xuất…
Để công tác TĐKT thực sự trở thành đòn bẩy của sự phát triển xã hội, thì cần phải xây dựng hệ thống văn bản về công tác TĐKT đảm bảo thống nhất cao; tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động cụm, khối thi đua để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Các cơ quan, đơn vị cần xác định rõ vai trò, vị trí, tác dụng của công tác TĐKT để từ đó đổi mới nội dung, hình thức TĐKT phù hợp với yêu cầu thực tiễn...