Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, tỉnh Phú Thọ tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng khu vực kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều tổ hợp tác và Hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã đi vào ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Các loại hình tổ hợp tác và HTX ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu và trình độ chung ở các địa phương. Tính xã hội của các tổ hợp tác, HTX ngày càng cao, đặc biệt là các HTX lĩnh vực nông nghiệp khi nhiều khâu dịch vụ của các HTX hoạt động mang tính phục vụ hơn là mục tiêu lợi nhuận, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Hết năm 2011, số lượng đơn vị kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của cả tỉnh là 283 HTX và 1024 tổ hợp tác, tăng 174 HTX so với năm 2001. Hiện tại với 272 HTX đang hoạt động (11 HTX đang chờ giải thể), số xã viên tham gia vào các HTX Nông nghiệp đã tăng 26.554 người so với 10 năm về trước, để đạt tổng số 179.410 xã viên. Điều đó phần nào cho thấy kinh tế hợp tác phần nào vẫn duy trì sức hút đối với người nông dân. Trong tổng số 283 HTX, có 59 HTX cung cấp dịch vụ nông nghiệp; 126 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp và 98 HTX chuyên ngành. Trong đó số HTX được đánh giá xếp loại hoạt động khá chiếm 52,3%; số HTX hoạt động trung bình chiếm 39,6% và có 8,1% HTX bị xếp loại yếu. Nhìn chung, sau chuyển đổi theo Luật HTX năm 1996 và sửa đổi năm 2003, hoạt động của các HTX đã có nhiều bước cải tiến. Tổng doanh số hoạt động năm 2011 của các HTX đạt trên 211 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế đạt 8,7 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2011.
Thông qua các hoạt động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh, đa số các HTX tập trung vào cung ứng các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp như: Dịch vụ cung ứng giống cây trồng và vật tư, phân bón, dịch vụ làm đất, dịch vụ bảo vệ thực vật, hay dịch vụ tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho bà con xã viên. Có 2 HTX làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên tương đối hiệu quả là HTX Nông nghiệp Thượng Nông và HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại. Tuy nhiên, dịch vụ của các HTX hầu hết mới tập trung vào phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp các khâu trước và trong sản xuất. Còn các khâu phục vụ sau sản xuất như là dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm lại chưa nhiều HTX làm được. Điều đó một phần xuất phát từ năng lực hoạt động, nhưng phần lớn là do cơ sở hạ tầng của các HTX quá thiếu thốn và nghèo nàn. Sau thời gian chuyển đổi, một phần tài sản của HTX được bàn giao cho UBND xã quản lý, một phần thanh lý. Đến nay, tài sản của các HTX chủ yếu chỉ là: Nhà làm việc, công cụ, dụng cụ sản xuất, kênh mương; một số HTX có thêm hệ thống trạm bơm, trạm điện. Đến tài sản tối thiểu là trụ sở làm việc cũng mới chỉ có 32% số HTX có được, còn lại hầu hết các HTX phải làm nhờ trụ sở UBND xã hoặc nhờ nhà dân.
Thực hiện Đề án củng cố HTX Nông nghiệp giai đoạn 2006 – 2010, mới chỉ có 2 trụ sở làm việc của HTX, 1 cửa hàng và 2,5km kênh mương được hỗ trợ để xây dựng. Điều đó cho thấy cơ sở hạ tầng của các HTX chưa thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và hoạt động dịch vụ.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của khối kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp là một yêu cầu cấp thiết đòi hỏi các HTX cần củng cố hoạt động dịch vụ theo hướng hạ giá thành và nâng cao chất lượng các khâu phục vụ. Phát triển các HTX chuyên ngành và HTX dịch vụ, sản xuất kinh doanh tổng hợp gồm: Dịch vụ chế biến, tiêu thụ nông, lâm sản; tín dụng nội bộ. Phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn với nhiều hình thức, quy mô và trình độ khác nhau đáp ứng mọi nhu cầu về sản xuất, đời sống xã viên và cộng đồng. Khuyến khích hình thức liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong sản xuất kinh doanh, nhưng trước hết tập trung vào khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cần phải thành lập thêm nhiều HTX và tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 8 - 10 HTX và 10 - 15 tổ hợp tác với số lượng xã viên tăng trung bình khoảng 1,5% mỗi năm. Bên cạnh đó các địa phương cũng cần chú trọng tăng cường chỉ đạo hoạt động của các các HTX. Mỗi huyện cần xây dựng được 1-2 mô hình HTX điển hình toàn diện để nhân rộng ra toàn địa bàn. Công tác cán bộ cần được quan tâm bằng việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để 100% cán bộ quản lý và các bộ phận nghiệp vụ được bổ sung kiến thức và kỹ năng quản lý.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương cần nâng cao vai trò lãnh đạo việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể gắn với việc xác định nội dung hoạt động toàn diện để thực hiện đổi mới phương thức hoạt động của HTX theo hướng đa dạng hóa các loại dịch vụ. Đối với công tác cán bộ, cần thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, động viên khen thưởng và có chế độ phụ cấp hợp lý để ổn định đội ngũ cán bộ HTX. Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về kinh tế hợp tác, huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội kể cả cán bộ có năng lực tham gia vào phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX