Ông Vang vượt khó làm giàu

 9897 lượt xem
Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã có nhiều hộ nông dân điển hình vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng với nhiều mô hình kinh tế đã cho hiệu quả cao. Và một trong những điển hình của phong trào đó là mô hình kinh tế của ông Phàng A Vang - Thôn Tà Xùa, xã Bản Công. Ông đã trở thành gương sáng điển hình trong phát triển kinh tế của đồng bào Mông nơi đây. 
Ông Phàng A Vang - Gương sáng điển hình trong phát triển kinh tế của đồng bào Mông ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu.

Tới thăm gia đình ông Vang mới thấy ông có cách làm kinh tế rất khoa học. Cả khu ruộng vườn, nhà ở, chuồng trại đều được bố trí hợp lý và cho hiệu quả kinh tế cao. Trên triền đồi là khoảng 1ha cây chè Shan được gia đình ông chăm sóc xanh tốt, ngoài ra ông còn trồng xen kẽ thêm ngô. Ven các khu vườn của gia đình ông trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn thêm cho trâu bò. Phía dưới chân đồi là trên 2ha ruộng bậc thang hiện đang cho gia đình ông một mùa vàng bội thu. 

Trong câu chuyện thân tình bên chén chè Shan, ông Vang và vợ kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống khó khăn vất vả xưa kia và về những ngày đầu khởi nghiệp. Ông cho biết: Cũng giống như nhiều gia đình khác trong bản, trước kia cuộc sống gia đình tôi khó khăn vất vả lắm. Hai vợ chồng nuôi tám đứa con. Vất vả trên nương từ sáng sớm đến tối nhưng vẫn  không đủ ăn, bữa no, bữa đói. Đất đai canh tác thì ngày càng bạc màu. Không cam chịu đói nghèo, ông luôn học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tám người con của ông đều được đi học, có người đã làm thầy giáo, người thì đang học đại học.  
 
Chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu khởi nghiệp, ông Vang nói: "Được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và nhà nước, cán bộ đến tận thôn mình để tuyên truyền, hướng dẫn mình và dân bản làm kinh tế. Người ta dạy như thế nào thì mình cứ làm như thế thôi, ngoài ra mình còn học hỏi thêm ở trên sách, báo, nghe đài và xem ti vi. Mình cứ nghĩ là làm thôi."
 
Để vươn lên thoát nghèo, biết cách áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Ông đã đi tham quan ở rất nhiều nơi, khi thì lên Sa Pa (Lào Cai) xem rồi học cách chăn nuôi và làm ruộng bậc thang thế nào, khi thì đến huyện Đồng Văn (Hà Giang) xem mô hình trồng cỏ voi của người Mông trên đó, rồi  đi Thanh Hóa, Nghệ An xem hình chăn nuôi đại gia súc...   
 
Chị Phàng Thị Tùng, một người dân thôn Tà Xùa cho biết: "Ông Vang là một người rất chịu khó làm ăn, ham học hỏi. Tuy nhà đông con nhưng ai cũng được đi học, biết được nhiều cái chữ nên biết  làm kinh tế giỏi lắm. Thấy mô hình kinh tế của ông có hiệu quả nên mình và bà con trong bản cũng làm theo. Ông hay giúp đỡ mọi người lắm. Gia đình ông cũng là một trong những hộ dân giàu nhất bản mình đấy."
 
Trên khoảng 2 ha đất ruộng lúa của gia đình đã được ông gieo trồng bằng các loại giống mới, đồng thời ông trú trọng đầu tư thâm canh theo quy trình kỹ thuật nên diện tích ngô, lúa nhà ông năm nào cũng xanh tốt và cho năng suất cao, trung bình mỗi năm ông thu hoạch được trên 10 tấn lúa và khoản 1 tấn ngô. Ngoài ra, ông còn chú trọng phát triển đàn gia súc, hiện đàn gia súc của ông có 4 con trâu và 3 con bò. Nuôi trâu, bò giúp gia đình ông có sức kéo để phát triển sản xuất, thêm nguồn phân chuồng. Tận dụng nguồn lương thực sẵn có, gia đình ông còn thường xuyên nuôi lợn sinh sản, nuôi lợn thịt và hàng chục con gia cầm các loại. Trung bình mỗi năm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm đã cho gia đình ông một khoản thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn nuôi thêm cá ruộng và trồng các loại cây rau màu để cải thiện cuộc sống. Từ chỗ đói nghèo, đến nay gia đình ông đã có mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. 
 
Phát huy những lợi thế của thiên nhiên, ông vận động bà con trong bản cùng nhau chú ý bảo vệ rừng. Trên suốt khu triền núi, từ nhiều năm nay đã được ông cùng với một số hộ gia đình khác trong bản phủ xanh 20 ha bằng cây thông Mã Vĩ. Ông co biết “Nếu mà bảo vệ được rừng xanh tốt, sẽ hạn chế được việc sạt lở đất và giữ được nguồn nước để tưới ruộng cấy lúa và có thêm nguồn thức ăn cho trâu, bò. 
 
Ông Phàng A Say, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: “Ông Phàng A Vang là một người luôn gương mẫu đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tham gia các phong trào thi đua. Bằng ý chí nghị lực và tinh thần cần cù chịu khó, ham học hỏi, từ chỗ đói nghèo đến nay gia đình ông vang đã vươn lên trở thành 1 trong những hộ khá, giàu của xã. Ngoài ra, ông còn luôn gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và vận động bà con trong thôn bản cùng làm theo. Với các hộ nghèo, bác đã luôn quan tâm giúp đỡ như cho họ nuôi bò, hướng dẫn kinh nghiệm, cách làm ăn để họ vươn lên thoát nghèo.
 
Qua thực tế đã cho thấy, mô hình kinh tế của Phàng A Vang đã cho hiệu quả và rất phù hợp với điều kiện địa hình ở đất đồi dốc ở vùng cao. Với cách làm kinh tế, ông đã biết khai thác hợp lý tiềm năng đất đai và còn góp phần bảo vệ rừng, cải tạo môi trường sinh thái. 
 
Đến thăm, nghe và tận mắt nhìn mô hình kinh tế của gia đình ông Phàng A Vang, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng và khâm phục ông hơn. Tấm gương vượt khó, quyết chí làm giàu của ông là một điển hình cho ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân của người Mông ở Trạm Tấu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nơi vùng cao này.
 
 
Ý kiến của bạn