Chăn nuôi lợn: An toàn, hiệu quả

 9008 lượt xem
Chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp đã và đang được một số hộ dân ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện bước đầu khá thành công, mô hình có quy mô chăn nuôi lớn, nhưng lại ít tốn nhân công, hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố môi trường và dịch bệnh. 

Mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp của anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Cao Minh, được xem là mô hình đầu tiên trên địa bàn thị xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện chủ trương và vận động của ngành Nông nghiệp thị xã về phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi công nghiệp, anh Tuấn đến nhiều nơi để tìm hiểu về mô hình chăn nuôi lợn. Sau khi học tập được những kiến thức cơ bản, anh đã bỏ vốn và vay ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn nái, lợn thịt về nuôi theo hướng công nghiệp. Mô hình chăn nuôi lợn được xây dựng với phương thức khép kín, máng ăn uống tự động trên diện tích gần 2.000m2, có hệ thống biogas để xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Các biện pháp cách ly cũng được tuân thủ nghiêm ngặt nhằm đề phòng dịch bệnh cho đàn lợn. Hiện nay, anh Tuấn đang nuôi hơn 700 con lợn thịt và nái sinh sản, một năm xuất chuồng 3 lứa khoảng 2.000 con, trừ các khoản chi phí, thu lãi khoảng 250 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm, trong quá trình chăn nuôi, gia đình anh Tuấn luôn tuân thủ các điều kiện về chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, thường xuyên rải vôi và phun thuốc tiêu độc khử trùng quanh chuồng trại. Theo hướng dẫn và hỗ trợ của Trạm Thú y thị xã, anh Tuấn luôn thực hiện đầy đủ việc tiêm các loại vắc xin theo định kỳ để phòng ngừa dịch bệnh. “Kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp không khó, ngoài yếu tố về môi trường trong lành chỉ cần tuân thủ các điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất trong chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp là kinh phí đầu tư lớn, có thể hàng trăm triệu đồng”, anh Tuấn chia sẻ.

Ông  Đỗ Hòa Bình, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Phúc Yên cho biết: “Điều kiện tự nhiên và môi trường ở Phúc Yên rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, lâu nay phần lớn người dân chăn nuôi theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Gần đây, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành nông nghiệp, nhiều hộ đã vay vốn đầu tư phát triển sản xuất theo mô hình trang trại, gia trại. Đến nay, trên địa bàn thị xã cũng hình thành nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp có quy mô từ 100 con trở lên. Mặc dù chỉ mới bước đầu phát triển, nhưng mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp đã khẳng định là hướng đi phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
 
Theo ông Bình, khó khăn lớn nhất đối với người dân hiện nay là kinh phí đầu tư ban đầu để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, thì tỉnh, thị xã cần có chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc vay vốn để đầu tư sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, đồng thời có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân về việc cấp mặt bằng, cho vay vốn để đầu tư sản xuất, xây dựng cơ sở chế biến thức ăn, tiêu thụ sản phẩm cho người dân...
 
 
Ý kiến của bạn