Đổi thay ở Minh Châu

 8457 lượt xem
Anh Bùi Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu (Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, sâu sát của Đảng uỷ, chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ, vào cuộc tích cực của nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch, dịch vụ... 

Cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi có dịp đến xã đảo Minh Châu (Vân Đồn) công tác. Chuyến tàu cao tốc của Công ty Vận tải khách thuỷ Chung Hướng hôm đó chật kín chỗ ngồi, hầu hết là khách du lịch. Trên đường từ bến tàu vào trung tâm xã, chiếc xe lam chở chúng tôi lao vun vút, hai bên đường là những rặng rừng thông, phi lao xanh ngắt. Tôi làm quen với bác Nguyễn Thị Thuý, nhà ở phố Tôn Đức Thắng, TP Hà Nội. Bác Thuý cho biết, nghe nói biển và phong cảnh ở Minh Châu còn hoang sơ và đẹp lắm, nên tranh thủ thời gian nghỉ hè, đưa cả gia  đình gần chục người đến đây để được chiêm ngưỡng cảnh đẹp và thưởng thức những món hải sản nổi tiếng...

 
Mới mấy năm trở lại mà Minh Châu đã “thay da đổi thịt” nhanh đến không ngờ. Nhiều ngôi nhà mái bằng khang trang mọc lên, nhất là khu vực gần với bãi tắm với hàng chục khách sạn, nhà nghỉ cao tầng phục vụ du khách. Lãnh đạo UBND xã cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành nghề du lịch, dịch vụ, nên đời sống của người dân ngày một được nâng lên, xã hiện chỉ còn một hộ nghèo...
 
Xã đảo Minh Châu nằm cách trung tâm huyện Vân Đồn hàng chục cây số, có diện tích tự nhiên trên 5.000ha, 250 hộ dân, trên 1.200 nhân khẩu, sinh sống ở 4 thôn là Quang Trung, Nam Hải, Ninh Hải và Tiền Hải. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu mưu sinh bằng nghề đi biển, đánh bắt ven bờ, chỉ đủ ăn qua ngày. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chủ yếu cấy lúa, trồng lạc, khoai lang, đỗ. Nhưng do thiếu nước tưới tiêu, nên diện tích canh tác chỉ còn chưa đầy chục ha, năng suất rất thấp.
 
Bến tàu xã Minh Châu (Vân Đồn) luôn luôn nhộn nhịp khách du lịch.
 
Những năm gần đây, Đảng uỷ, chính quyền xã đã tập trung phân tích, đánh giá về những mặt thuận lợi, khó khăn, những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để có hướng phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn. Minh Châu được biết đến với những bãi cát dài trắng mịn, hoang sơ, cánh rừng phi lao ngút ngàn; những mặt hàng hải sản tươi sống nổi tiếng như ốc hương, ghẹ, ngán, cá song... Trên cơ sở đó Đảng bộ, chính quyền xã đã xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, kết hợp nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản. Ban đầu, người dân xã chưa quen với việc xây nhà nghỉ, mở cửa hàng phục vụ ăn uống, giải khát cho khách du lịch. Nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền, đoàn thể  trong việc vận động, khuyến khích bà con đầu tư mở mang các dịch vụ du lịch, đã đem lại công ăn, việc làm thu nhập cho bà con. Xã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng các ngành nghề dịch vụ như kinh doanh nhà nghỉ, ăn uống, giải khát, vận chuyển hành khách. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Minh Châu tăng hàng năm, vào mùa hè, dịp nghỉ lễ có hàng nghìn du khách  lịch đến đây tham quan, nghỉ ngơi. Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, có tới hơn 1 vạn du khách đến tham quan, trong đó gần một nửa lưu trú qua đêm tại các nhà nghỉ. Nhưng hiện xã mới có gần 20 nhà nghỉ với gần 200 phòng nghỉ, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tại thôn Tiền Hải, chúng tôi gặp bác Phạm Thị Bình, bác tâm sự: “Gia đình tôi không có nhà nghỉ cho thuê, nhưng hàng năm vào mùa du lịch, gia đình tôi, người thì chạy xe chở khách, người thì bán hàng giải khát, thu nhập cao gấp nhiều lần so với nghề đi biển trước đây. Nhờ vậy cuộc sống khấm khá hơn trước...”.
 
Nhằm từng bước hình thành một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn phù hợp với quy hoạch chung của xã, của huyện, Minh Châu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hồ sơ thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư các hạng mục, như rãnh thoát nước thôn Ninh Hải giai đoạn 2, tuyến đường liên thôn Quang Trung - Nam Hải, tuyến đường Tiền Hải - Nam Hải với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường liên thôn, nhà văn hoá thôn; xã đã vận động bà con tự nguyện hiến đất mở đường và được đông đảo bà con hưởng ứng. Đến nay đã có gần 20 hộ dân ở các thôn hiến hàng chục nghìn m2 đất để làm đường, xây nhà văn hoá thôn. tiêu biểu như ông Bùi Huy Sầm, thôn Nam Hải, hiến trên 400m2 đất vườn tạp, cây ăn quả để làm đường; ông Lưu Văn Thanh, thôn Quang Trung, hiến trên 800m2 đất vườn để làm nhà văn hoá thôn. “Sự vào cuộc tích cực của Đảng uỷ, chính quyền xã, sự đồng thuận của nhân dân trong phát triển hạ tầng đã tạo ra những tiền đề cho phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ, thương mại. Xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp là hướng đi chính của Minh Châu thời gian tới...” - Đồng chí lãnh đạo UBND xã khẳng định.  
 
Hiện tuyến đường liên xã từ bến tàu Cồn Trụi (Minh Châu) tới cảng Đồng Hồ (Quan Lạn), chiều dài gần 15km, tổng kinh phí khoảng 300 tỉ đồng từ vốn của nhà nước cũng đang triển khai thi công. Tuyến đường này khi hoàn thiện, đưa vào sử dụng sẽ giúp việc đi lại, giao thương buôn bán giữa hai xã thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
 
Minh Châu đang dần khoác lên “chiếc áo mới”, diện mạo một khu sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp đang dần hiện lên, từng bước trở thành điểm du lịch lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
 
 
Ý kiến của bạn