Dương Phong: Xóa đói giảm nghèo từ khoai môn

 8225 lượt xem
Dương Phong là xã vùng xa của huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Những năm qua việc xác định cây trồng thế mạnh, giúp bà con các dân tộc xóa đói giảm nghèo hiệu quả luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. 

Dựa trên lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, lãnh đạo địa phương xác định cây khoai môn chính là một trong những cây trồng thế mạnh, có giá trị kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. 

Khoai môn trở thành cây trồng giúp nông dân xã Dương Phong xóa đói giảm nghèo hiệu quả

Lãnh đạo xã Dương Phong cho biết: Năm 2010 toàn xã trồng được 10,5 ha khoai môn, đạt 70% kế hoạch, năng suất đạt 50 tạ/ha, sản lượng đạt 52,5 tấn. Năm 2011 diện tích đã được mở rộng hơn với 12,2 ha, tập trung nhiều nhất ở thôn Bản Mún 1. Cây khoai môn ở Dương Phong đã được trồng theo phương pháp ghép mô do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến lâm tỉnh trợ giúp về kỹ thuật nên năng suất và chất lượng ngày một nâng cao.
 
Tại thôn Bản Mún có 12 hộ gia đình tham gia trồng khoai môn, hộ trồng nhiều nhất lên tới 2 ha, cây khoai chủ yếu được trồng trên đất đồi. Theo nhận định của người dân trong thôn thì cây khoai môn rất phù hợp với chất đất ở đây, nếu đầu tư chăm sóc, bón phân theo kỹ thuật hướng dẫn thì chất lượng củ rất tốt, hàm lượng tinh bột cao, khi nấu rất bở và thơm ngon. Củ to thì cứ 2 củ được 1 kg, còn bình quân 3-4 củ được 1 kg. 
 
Năm 2010 tư thương đến tận nhà dân thu mua khoai thương phẩm với giá 15.000đồng/kg, vào cuối vụ bà con lại bán khoai giống với giá 25.000đồng đến 30.000 đồng/kg nhờ đó mà nhiều gia đình trong thôn đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ. 
 
Năm 2011 cây khoai môn được đánh giá là phát triển rất tốt, qua thực tế trên những vạt đồi tại thôn Bản Mún cây khoai môn phát triển xanh tốt và hứa hẹn một vụ khoai được mùa. Trưởng thôn Lý Văn Cát cho biết: Bản Mún là thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, ít đất ruộng cấy lúa nên bà con chủ yếu là sống dựa vào đồi rừng, vài năm trở lại đây bên cạnh cây cam quýt thì cây khoai môn cũng là loại cây thế mạnh giúp bà con xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Nhờ trồng khoai môn mà đời sống của bà con đã ổn định hơn trước, có của ăn của để, hiện toàn thôn chỉ còn 10 hộ nghèo theo tiêu chí mới.
 
Với giá khoai môn như hiện nay thì theo tính toán của ngành chức năng cứ 5 tấn củ/ha sẽ cho thu nhập 70 triệu đồng. Như vậy đây là cây trồng cần được mở rộng trong việc thực hiện mô hình cánh đồng cho giá trị kinh tế cao ở địa phương. Khoai môn là cây trồng thế mạnh có giá trị kinh tế cao tại Dương Phong nhưng hiện nay bà con vẫn chủ yếu là tận dụng đất đai để trồng chứ chưa trồng thâm canh nên diện tích không được mở rộng, giá trị hàng hóa chưa cao. Vì vậy theo ngành chức năng muốn mở rộng diện tích thì trước hết phải giải quyết khâu giống, cứ vào vụ thu hoạch bà con nên giữ lại những củ nhỏ cấp 1, cấp 2 để chủ động làm giống cho vụ sau. Thay vì chỉ trồng khoai trên đất đồi thì bà con có thể trồng khoai môn ở những diện tích đất thấp, những chân ruộng không chủ động được nước và phải thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật như lên luống, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh. 
 
Hiện nay, việc trồng cây khoai môn có phần thuận lợi hơn bởi Sở Khoa học và Công nghệ đã sử dụng công nghệ nhân giống khoai bằng phương pháp invitro để cung cấp giống cho bà con. Đồng thời sở đang nghiên cứu dự án chế biến khoai môn thành các sản phẩm bánh, kẹo... Mở ra cơ hội phát triển tốt cho cây khoai môn và giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân. Đây sẽ là tín hiệu đáng mừng để  bà con nông dân ở Dương Phong đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại thu nhập cao.
 
 
Ý kiến của bạn