Trước kia, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Đói cơm mới chết, đói chữ thì chẳng phải lo”. Thế nhưng, suy nghĩ giản đơn ấy giờ chỉ còn trong quá khứ. Người Vân kiều, Pa kô ngày nay đã thấm thía về tầm quan trọng của việc học hành. Suy nghĩ ấy thể hiện sinh động qua phong trào hiến đất dựng trường đang ngày một phát triển rầm rộ ở nhiều bản làng. Tại xã A Xing, huyện Hướng Hóa, Côn Khơi đang “giữ kỷ lục” trong phong trào hiến đất. Ông đã 3 lần san sẻ những mét vuông đất quý giá để góp phần xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ dân bản.
Vợ chồng Côn Khơi quanh năm sống bám nương rẫy. Mỗi tấc đất đối với họ thực sự là một tấc vàng. Trên mảnh đất ấy, vợ chồng ông cùng 6 người con đã trồng khá nhiều cây ăn quả, sắn, chuối… Nhờ thế, kinh tế gia đình họ ngày một khấm khá. Không chỉ trang trải đủ cuộc sống riêng, vợ chồng ông còn dành dụm để giúp đỡ nhiều hộ dân khác.
Côn Khơi bên ngôi trường Mầm non trung tâm xã A Xing.
Cuộc sống có bát ăn, bát để không làm vợ chồng Côn Khơi quên đi trách nhiệm đối với cộng đồng. Chẳng chút so đo, tính toán, ông bà đã lần lượt hiến những “tấc vàng” của gia đình cho địa phương. Năm 2005, Trường Tiểu học xã A Xing cần thêm đất để xây nhà công vụ và phòng ở của giáo viên, vợ chồng Côn Khơi liền bàn nhau hiến diện tích đất đang trồng cây ăn quả để hỗ trợ thầy cô. Năm 2006, ông bà lại tiếp tục hiến hơn 400 m2 đất để làm nhà học tập cộng đồng thôn A Máy. Mới đây nhất, ông và vợ còn góp thêm 500 m2 đất để góp phần mở rộng diện tích trường Mầm non trung tâm xã A Xing.
Ít ai biết ngày vợ chồng Côn Khơi quyết định hiến đất, họ hàng, con cháu đến can ngăn rất nhiều. Thậm chí, một số người còn cho rằng: “Ông bà ấy già rồi đâm ra lẩn thẩn”. Thế nhưng, đôi vợ chồng luống tuổi vẫn khăng khăng thực hiện ý định. Côn Khơi giãi bày: “Mình là bộ đội Cụ Hồ, lúc trai tráng, mình cùng đồng đội cầm súng đánh giặc, cứu nước. Giờ hòa bình rồi, mình hiến đất dựng trường để cùng đồng bào chống giặc dốt, giúp đời sống người dân ổn định hơn. Việc làng, đất vàng cũng hiến”.
Ngày Trường Mầm non trung tâm xã A Xing khởi công, vợ chồng Côn Khơi cùng đến tận nơi để chứng kiến thời khắc đáng nhớ này. Trước mắt ông bà, hình ảnh vườn cây ăn quả, sắn, chuối... hiện ra xanh tươi hơn bao giờ hết. Côn Khơi bảo vợ: “Sau này, tương lai con cháu mình cũng sẽ xanh tươi, cho nhiều thành quả tốt đẹp”. Suy nghĩ ấy khiến hai gương mặt hằn in những nếp nhăn của tuổi già và sự lam lũ bỗng giản ra, tươi nguyên một nụ cười.