Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới ở An Giang

 56 lượt xem
Xác định xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nên ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, dù xuất phát điểm rất thấp (có trên 90% số xã đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới) nhưng chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã có nhiều cố gắng và cách làm sáng tạo, góp phần mang lại diện mạo mới cho nông thôn tỉnh. 

An Giang có diện tích tự nhiên 353.668 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 298.439,37 ha, là một trong những tỉnh có diện tích lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích rộng nên quy mô từng xã cũng lớn, địa bàn trải rộng (từ 2.000-5.000 ha/xã, cao gấp 4 - 8 lần so với các xã miền Trung, phía bắc), đòi hỏi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá lớn. 
     Qua 10 năm thực hiện, nhận thức về Chương trình xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên, giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Phong trào thực sự đi vào tâm thức của người dân, tạo sự đồng thuận cao, từ đó thu hút được nguồn lực vận động từ cộng đồng dân cư tham gia đóng góp tài lực và vật lực trong xây dựng nông thôn mới. Cảnh quan, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội và đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Mô hình trồng hoa tại huyện Châu Thành, An Giang
Về kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế - xã hội được quan tâm; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hoá, kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; từ đó thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững qua từng năm. Hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển về quy mô và chất lượng; mạng lưới trường lớp được đầu tư rộng khắp. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tăng cường; lao động được giải quyết việc làm ổn định hằng năm; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình khác ngày càng đi vào chiều sâu. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, đầu tư nâng cấp, tôn tạo và đưa vào khai thác. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng khó khăn luôn được cải thiện.
Sau 10 năm triển khai, toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và 01 đơn vị huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước lộ trình. Hiện nay, An Giang có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình nông thôn mới; trong đó có 01 huyện nông thôn mới (huyện Thoại Sơn), 02 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận. 
Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2019, có 1.430 tuyến đường đã được đầu tư với chiều dài 2.733km; có 430 tuyến đường liên ấp (dài 693 km), 350 tuyến đường dân sinh, nội bộ (dài 280km) và 544 tuyến đường trục chính nội đồng (dài 1.221km) được xây dựng. Cùng với đó là 781 cây cầu giao thông nông thôn mọc lên (gồm 385 cầu bê-tông cốt thép, 150 cầu treo, 195 cầu sắt và 51 cầu gỗ). Trên các tuyến kênh nội đồng đều được bắc cầu, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, không còn đường lầy lội vào mùa mưa. Với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 5.518,4 tỷ đồng, đến nay có 81 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông (chiếm 68,07%).
Đáng chú ý, tỉnh An Giang đã có nhiều mô hình, cách làm hay được các ngành, đoàn thể, địa phương sáng tạo, vận dụng mang lại hiệu quả cao như: Mô hình “Ấp tự quản bảo vệ môi trường”; “Hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp”; mô hình “Hội Mái ấm tình thương”; mô hình “Bếp ăn tình thương”; mô hình “Đội thiện nguyện xây dựng cầu”; mô hình “Cổng rào an ninh trật tự” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; mô hình “Nông dân giỏi tham gia phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới” gắn với tiêu chí ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình ”Chiếu sáng làng quê” do Hội Nông dân tỉnh phát động. Cuộc vận động “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, công trình “Tuyến đường hoa”, mô hình ”Phân loại, xử lý rác hợp vệ sinh” do Hội Phụ nữ tỉnh phát động. “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội” gắn với tiêu chí an ninh trật tự được giữ vững, “Camera giám sát an ninh trật tự”; “Tín đồ phật giáo Hòa Hảo nói không với tội phạm” do Công An tỉnh phát động. Đoàn Thanh niên tổ chức phát động phong trào “Tuổi trẻ An Giang chung tay xây dựng nông thôn mới”; tổ chức trồng cây tạo cảnh quan môi trường, xanh, sạch, đẹp. Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với các mô hình như: Mô hình vận động “Quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội";  “Tết Quân - Dân”; “Ấp điểm tham gia bảo hiểm y tế”; “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”,...
Đặc biệt, An Giang đi đầu cả nước về vận động mua xe cứu thương miễn phí. Người người, nhà nhà tham gia đóng góp mua xe chuyển viện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, với đề án xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, mỗi huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ít nhất 2 đội xây dựng nhà, xây dựng cầu cho người nghèo và xây cầu nông thôn thiện nguyện; nhờ đó, chỉ trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 294 cây cầu, với tổng chiều dài 9.570m. Trong tổng kinh phí 339,85 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội chiếm 78,1% (265,44 tỷ đồng), chưa kể 61.254 ngày công do nhân dân đóng góp....
Có thể thấy rằng, dù khó khăn đến đâu, nếu có quyết tâm, đồng lòng và giải pháp sáng tạo, thì đều có thể vượt qua. Tin rằng, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, vượt khó để hoàn thiện mục tiêu phấn đấu có thêm 28 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời 100% xã đạt chuẩn giai đoạn 2010 - 2020 tiếp tục giữ vững tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định. Tỉnh cũng phấn đấu có ít nhất 3 xã/huyện đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 75% số ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí “Ấp nông thôn mới”; 02 đơn vị cấp huyện (Chợ Mới và Châu Thành) đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tăng thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới đạt 65 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm, tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%...
                                                                                                                                                              Hoàng Thanh

 
Ý kiến của bạn