Tỉnh Lai Châu không ngừng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

 233 lượt xem
Sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào đã đạt được những kết quả quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nông dân được nâng cao, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần không nhỏ vào phong trào chung của cả nước. 

Lai Châu là tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc, diện tích tự nhiên 9.069 km2, dân số trên 415.300 nghìn người, gồm 20 dân tộc, 08 đơn vị hành chính (07 huyện và 01 Thành phố), 108 xã phường, thị trấn, trong đó có 23 xã biên giới. Tỉnh có cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng tiếp giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn; vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tế xây dựng nông thôn mới của địa phương. 
 
Người dân huyện Than Uyên nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện
Cùng với việc ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, thực hiện xây dựng nông thôn mới đảm bảo kịp thời, đồng bộ; tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân gắn với phát động các phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”...
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân tích cực tham gia, tự nguyện hiến đất, ngày công để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020, nhân dân tự nguyện hiến 914.368m2 đất, 65.671 ngày công lao động, 2.881 triệu đồng.
Xác định nguồn lực tài chính có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động và bố trí được 8.479.473 triệu đồng; trong đó, ngân sách nhà nước 8.298.067 triệu đồng; doanh nghiệp, hợp tác xã 4.000 triệu đồng; huy động từ cộng đồng dân cư 174.372 triệu đồng.
Là tỉnh còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của các tỉnh, thành phố trong cả nước, song quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lai Châu đạt được những kết quả tích cực.
Đến hết năm 2013, tỉnh Lai Châu có 96/96 xã (100%) được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Đến nay, 26 xã đã điều chỉnh quy hoạch, năm 2019 có thêm 16 xã. Cuối năm 2020 có thêm 18 xã thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Về giao thông, toàn tỉnh có 22/96 xã đạt tiêu chí giao thông, tăng 32 xã so với năm 2015. Trên địa bàn tỉnh có 959 công trình thủy lợi, với 2.003 km kênh mương đảm bảo tưới tiêu cho 26.601,2 ha diện tích cây trồng và nuôi thủy sản; đến nay, 91/96 xã đạt tiêu chí về thủy lợi. 58/96 xã có số hộ dân được sử dụng điện lưới thường xuyên, 92,7% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn tỉnh có 133 trường đạt chuẩn quốc gia; 93% phòng học đạt kiên cố và bán kiên cố; 38/96 xã đạt tiêu chí về trường học, tăng 10 xã so với năm 2015. Để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến nhân dân, tỉnh tập trung xây dựng cơ sở vật chất văn hóa; đến nay có 44/96 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa…
Hệ thống chợ, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông; nhà ở dân cư đạt được kết quả tích cực. 96/96 xã đạt tiêu chí về chợ, 85/96 xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% các xã, phường, thị trấn có dịch vụ viễn thông, Internet. Mạng lưới truyền thanh của tỉnh Lai Châu đã được thiết lập đến từng huyện trong tỉnh; tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của các xã. 46/96 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư, tăng 22 xã so với năm 2015.
Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm có xu hướng giảm. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, toàn tỉnh có trên 60 mô hình, dự án khuyến nông. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng, góp phần thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Công tác xây dựng và duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục được quan tâm. Toàn tỉnh có 96/96 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề, đạt 74,3%. Phát triển y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ người dân nông thôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%; toàn tỉnh có 70/96 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 72,92%, tăng 37 xã so với năm 2015. Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới được triển khai đồng bộ, toàn diện gắn với triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bản, khu phố văn hóa, tổ dân phố văn hóa….
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh, chỉ đạo việc thực hiện Phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; tiếp tục khơi dậy, nuôi dưỡng, phát triển nguồn lực trong nhân dân, lấy tinh thần thi đua làm chủ đạo trong quá trình thực hiện; công khai, dân chủ, trao quyền tự chủ cho người dân để người dân thực sự là chủ thể chính của Chương trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng; tập trung cao cho phát triển sản xuất và gắn với phát triển toàn diện trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; chú trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ nòng cốt ở các cấp nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; định kỳ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt để nhân rộng./.
                                                                                                                        Thanh Mai
 

 
Ý kiến của bạn