Huyện Đạ Tẻh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019

 73 lượt xem
Ngày 12/1/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định công nhận huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. 

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, huyện Đạ Tẻh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong 10 năm,  tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2019 đạt khoảng 3.087,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động được, huyện đã đầu tư tăng cường kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hệ thống đường giao thông toàn huyện dài 341,9 km, được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa đạt chuẩn 277,5km, đạt 81,2%, tăng 34,6% so với năm 2010. 
Huyện cũng đã đầu tư và đưa vào sử dụng một số công trình thủy lợi quan trọng ở một số địa phương khó khăn về nguồn nước tưới và nước sinh hoạt như: Hồ thôn 10 xã Đạ Kho, Hồ thôn 5 xã Quốc Oai, Hồ Con Ó xã Mỹ Đức; Hồ Hương Thanh - Hương Sơn xã Hương Lâm; đã cơ bản thi công xong giai đoạn 1 hồ thủy lợi Đạ Lây, là công trình quan trọng phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt ở địa bàn xã Đạ Lây, Hương Lâm; hoàn thành kiên cố hóa kênh ĐN12 xã Quảng Trị, kênh ĐN14 xã Triệu Hải; đã cơ bản hoàn thành kiên cố hóa kênh Chính 5,88 km, kênh Nam 4,99km; kiên cố hóa tuyến kênh dẫn nước từ kênh Nam đến cánh đồng thôn 1, 2 xã An Nhơn. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện có 8 hồ chứa nước thủy lợi với dung tích hữu ích 30,34 triệu m3 nước, 01 trạm bơm và 01 đập dâng; tổng chiều dài kênh 229,9 km (trong đó đã kiên cố 115,4 km, kênh đất 114,5km); đáp ứng nhiệm vụ tưới, tiêu cho 9.834 ha gieo trồng.
 
Cánh đồng Nếp Quýt xã An Nhơn
Ngành điện tiếp tục có sự đầu tư, mở rộng, nâng cấp hệ thống trụ, trạm biến áp và dây dẫn để đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định, sử dụng điện an toàn. Một số địa bàn vùng xa đã có điện hạ thế phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Những năm gần đây, từ sự hỗ trợ vật tư của Nhà nước, các xã đã thực hiện khá tốt phong trào xây dựng đường điện thắp sáng đường quê dọc các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn với chiều dài 55,4km; tại một số điểm giao thông đã được xây dựng các trụ đèn sử dụng năng lượng mặt trời để đảm bảo an toàn và văn minh ở nông thôn. Năm 2010, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 83%; đến năm 2019 tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,5%, tăng 16,5%; 10/10 xã đạt chuẩn tiêu chí điện và duy trì kết quả đạt chuẩn đến nay. Hiện có 23/38 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 65,7%; có 10/10 xã đạt chuẩn Cơ sở vật chất văn hóa, tăng 9 xã so với năm 2010.
Đặc biệt, giai đoạn 2010 – 2019, Huyện Đạ Tẻh ưu tiên chuyển đổi sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào nhóm cây trồng chủ lực là: dâu tằm, lúa chất lượng cao, tre tầm vông, cao su, cây ăn quả, từ đó kinh tế nông nghiệp ở nông thôn có chuyển biến khá nhanh. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô khá, như : Vùng sản xuất trồng dâu nuôi tằm 1.500 ha trên địa bàn 8/10 xã, doanh thu bình quân đạt 220 triệu đồng/ha; cây ăn trái 1200 ha (quýt, sầu riêng, bưởi da xanh) ở xã Hương Lâm, Đạ Lây, Mỹ Đức, Quốc Oai, Quảng Trị, một số mô hình đạt doanh thu từ 700 - 1.000 triệu đồng/ha; cao su diện tích 3.500 ha; sản xuất lúa chất lượng cao, quy mô 1.600 ha, doanh thu đạt từ 90 – 120 triệu đồng/ha, riêng sản xuất lúa VĐ 20, Nếp Quýt đã áp dụng quy trình VietGAP 400 ha, GlobalGAP 20 ha, hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp; nhãn hiệu gạo Nếp Quýt được xác định, chọn lựa là sản phẩm OCOP của huyện trong giai đoạn 2016-2020 và đang từng bước tiếp cận với thị trường nước ngoài.
Đối với vùng đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên, do điều kiện đặc thù riêng, nhưng huyện đã hình thành các khu vực sản xuất tập trung hiệu quả: Tại Đồi đất đỏ xã Mỹ Đức đã xây dựng vùng sản xuất cao su tập trung 62 ha từ năm 2012 và tiếp tục mở rộng tại khu vực Trảng Cỏ xã Quốc Oai 120 ha; tại Tố Lan xã An Nhơn thực hiện mô hình trồng tre Tầm vông, diện tích 25 ha, tiếp tục mở rộng thêm 20 ha trong năm 2019...Do đó, từ 2.316 hộ nghèo (năm 2010), đến năm 2019 huyện chỉ còn 430 hộ, chiếm 3,49%. Có 11/11 xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo quy định; lực lượng Công an 11/11 xã, thị trấn được xây dựng, củng cố trong sạch, vững mạnh, đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến trở lên.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Đạ Tẻh thay đổi rõ rệt, khang trang, sạch đẹp, văn minh, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống của mỗi vùng miền. Đó là động lực để huyện tiếp tục phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực phía tây nam tỉnh Lâm Đồng, có hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ và ngày càng hiện đại vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2025 huyện có 10/10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 5/10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về tiêu chí: Môi trường, an ninh trật tự, giáo dục, hành chính công, sản xuất./.
                                                                                                                                                                 Mai Hoàng

 
 

 
Ý kiến của bạn