Hải Dương từng bước khôi phục sản xuất

 252 lượt xem
 

(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp trong tỉnh Hải Dương, đặc biệt là doanh nghiệp ở huyện Cẩm Giàng, đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vừa chủ động phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội. Trong thời gian giãn cách toàn tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm tới 45,8% so với cùng kỳ.

Để khắc phục khó khăn, 120 lao động của Công ty TNHH ANT (HN) tại xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đang phải kiêm nhiều vị trí việc làm

UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản cho phép các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Cẩm Giàng được hoạt động trở lại từ đầu tháng 3 nếu bảo đảm các điều kiện phòng dịch.

Tỉnh Hải Dương có 14.000 DN với trên 350.000 người lao động. Thời gian qua, không ít DN tại Hải Dương phải dừng hoạt động để cùng chính quyền các cấp phòng chống dịch lây lan trên diện rộng. Dù vậy, mục tiêu của tỉnh là vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ 27/2, một số DN trên địa bàn Hải Dương đã bắt đầu hoạt động trở lại, đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, tình hình dịch bệnh tại địa phương đến nay đã cơ bản được kiểm soát. Các ổ dịch lớn tại thành phố Chí Linh, Cẩm Giàng - nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp - cũng đã được khống chế.

Vì vậy, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng triển khai phương án, kế hoạch để sản xuất kinh doanh trở lại ngay thời điểm cuối đợt giãn cách và sau dịch. Công tác phòng, chống dịch trong các DN khi hoạt động trở lại được Hải Dương đặc biệt quan tâm.

Trong công văn ngày 27/2, UBND tỉnh yêu cầu các DN, cơ sở kinh doanh phải xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể gắn với phòng chống dịch. Cơ sở sản xuất phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch tại đơn vị theo đúng quy định của Bộ Y tế gắn với thực hiện tốt 5K.

Riêng các DN có xuất hiện dịch bệnh thời gian qua trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, ngoài yêu cầu lập kế hoạch như trên cần tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện để rà soát, xử lý triệt để các yếu tố nguy cơ dịch bệnh trong DN hay từ người lao động. Lập báo cáo gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh xem xét thống nhất trước khi hoạt động trở lại.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, nhu cầu hoạt động trở lại của DN trong các khu công nghiệp, hướng dẫn DN xây dựng kế hoạch theo yêu cầu trên và trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với phòng chống dịch bắt đầu từ tháng 3. Chủ động phối hợp với Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Cẩm Giàng, các cơ quan liên quan quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện cho DN hoạt động thuận lợi, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Các sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế và UBND huyện Cẩm Giàng chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Cẩm Giàng hoạt động thuận lợi, bảo đảm an toàn phòng chống dịch; tổ chức tốt công tác phòng chống dịch tại các khu dân cư, thôn xóm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

VOV dẫn lời ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: "Chúng tôi chỉ đạo và hướng tới mở cửa các doanh nghiệp trở lại hoạt động vào tháng 3 và ngay từ hôm nay đã hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai. Với mỗi doanh nghiệp hoạt động thì phải đảm bảo 5K. Trong suốt thời gian lao động đến làm việc, nghỉ giải lao, ăn trưa cho tới khi rời khỏi doanh nghiệp, phải có sự giám sát cũng như đảm bảo điều kiện làm việc của người lao động gắn với phòng dịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có bộ máy y tế quan tâm người lao động có hiện tượng bất thường về mặt sức khỏe gắn với phòng dịch, kịp thời phối hợp với các cơ quan y tế của các cấp kịp thời khoanh, dập dịch nếu có".

Chính quyền chung tay cùng DN khắc phục khó khăn

Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cụ thể cũng được cập nhật trên báo Hải Dương.

Đến ngày 28/2, 11 huyện, thành phố của tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa chiêm xuân với diện tích khoảng 50.000 ha.

Riêng thị xã Kinh Môn do thu hoạch hành, tỏi muộn và ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên mới gieo cấy được 3.500 ha, đạt 60% diện tích. Vụ này, thị xã Kinh Môn có kế hoạch gieo cấy 5.800 ha, trà xuân muộn chiếm 90% diện tích. Thị xã phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 5/3 để bảo đảm lịch thời vụ. 

Công ty TNHH ANT (HN) tại xã Tân Trường (Cẩm Giàng) chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 1.000 tấn sản phẩm các loại. Từ khi Cẩm Giàng bị phong tỏa, DN dừng hoạt động. Sau khi đáp ứng được các điều kiện phòng chống dịch COVID-19, ngày 25/2, công ty đã hoạt động trở lại nhưng chỉ có khoảng 120 lao động cư trú tại huyện Cẩm Giàng đến làm việc. Khoảng 300 lao động ở các địa phương khác vẫn đang nghỉ làm, chờ hướng dẫn cụ thể.

“Từ ngày 25/2 đến nay, 120 lao động làm việc được bố trí ăn ngủ tại công ty. Thiếu lao động đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của DN. Để khắc phục, mỗi công nhân phải làm việc vất vả hơn, một người kiêm nhiều vị trí khác nhau”, bà Vũ Thị Thanh, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự của công ty cho biết.

Chưa được hoạt động trở lại như DN trên, Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam trong khu công nghiệp (KCN) Tân Trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh để sẵn sàng hoạt động trở lại ngay đầu tháng 3 này. Bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Nhân sự công ty cho biết DN đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh sau dịch, lập danh sách các lao động sẽ đi làm trở lại và gửi cam kết phòng chống dịch đến Ban Quản lý các KCN tỉnh. DN đã đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch theo hướng dẫn; phối hợp tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 260 lao động thường trú tại huyện Cẩm Giàng. Khi DN được hoạt động trở lại, 260 công nhân này sẽ làm việc trước. Gần 300 lao động còn lại ở ngoài huyện sẽ đi làm sau khi có hướng dẫn cụ thể.

Công ty CP Trung Kiên có 3 nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu ở huyện Kim Thành. Để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, các nhà máy của DN vẫn đang phải tạm dừng hoạt động. Theo ông Nguyễn Văn Tăng, Giám đốc Đầu tư Công ty CP Trung Kiên, thời điểm này, công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, sản xuất bị ngừng trệ khiến DN có nguy cơ mất khách hàng tiềm năng. DN đang sắp xếp, phối hợp với bộ phận kinh doanh xử lý từng bước các vướng mắc.

Từ ngày 14/2 đến nay, Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam trong KCN Phúc Điền (Cẩm Giàng) vẫn dừng hoạt động để phòng chống dịch. Tuy nhiên, để không bị ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu của khách hàng, DN đã báo cáo ngành chức năng của tỉnh được phép giao hàng cho khách hàng trong ngày 26 và 27/2. Trước khó khăn của DN, UBND tỉnh đã đồng ý cho DN và đối tác được giao nhận hàng dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng.

Nhiều DN cho rằng, tỉnh cần xem xét điều kiện DN phải xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tất cả lao động khi quay trở lại làm việc. Bởi thực tế, nhiều lao động tại địa phương đã được chính quyền xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, DN phải xét nghiệm lại sẽ gây tốn kém. Việc phải bố trí ăn ở tại chỗ cho người lao động trong thời gian địa phương bị phong tỏa, cách ly y tế cũng khiến nhiều DN gặp khó khăn. DN mong muốn cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể để DN thực hiện và yên tâm hoạt động trở lại.

Công nghiệp Hải Dương giảm sâu

Theo Sở Công Thương Hải Dương, do chênh lệch về số ngày sản xuất cùng với ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội toàn tỉnh sau Tết, phong toả, cách ly một số khu, cụm, huyện, thành phố nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 2 giảm khá sâu so với tháng trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tháng 2 ước giảm 39% so với tháng trước, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm nay ước giảm 5,7% so với cùng kỳ.

Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 44,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 43,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà giảm 9,9%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 6,6%.

Trong 2 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm quan trọng của tỉnh đều giảm sản lượng như sắt thép không hợp kim cán phẳng không gia công giảm 8,7%; xi măng portland đen giảm 8,9%; mạch điện tử tích hợp giảm 13,6%; thức ăn cho gia súc giảm 14,2%; giày dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài giảm 24,1%; máy khâu loại khác trừ máy khâu sách và máy khâu gia đình giảm 40,6%; xe có động cơ chở được 5 người trở lên giảm 41,5%...

Bên cạnh đó, cũng có một số sản phẩm có sản lượng tăng như vải dệt kim hoặc móc tăng 4,2%; nước uống tăng 7,8%; điện thương phẩm tăng 13,2%; máy kết hợp từ hai chức năng trở lên in, quét, copy... tăng 15,3%; điện sản xuất tăng 21,5%; bộ phận và các phụ tùng dùng cho thiết bị ghi và tái tạo âm thanh, video tăng 35,8%.

Tính riêng từ ngày 16/2 đến nay (từ ngày tỉnh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ), giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.664 tỷ đồng, giảm 45,8% so với cùng kỳ trung bình 10 ngày tháng 2 năm ngoái; trong đó, ngành khai khoáng giảm 46,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 51,8%. Riêng ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà vẫn tăng 9,2%. Nguyên nhân do Công ty TNHH Điện lực Jack Hải Dương đã chính thức tham gia vào thị trường điện tử cuối tháng 11 năm ngoái.

                                                                                                                                                                             BT (tổng hợp)

 

 

 

 

 

 

 
Ý kiến của bạn