Năm 2004, Luật Thi đua - khen thưởng được áp dụng với những quy định cụ thể về quy trình, tiêu chuẩn, thẩm quyền xét tặng các danh hiệu khen thưởng không chỉ tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước mà còn góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả tốt.
Đồng chí Lê Hồng Phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy trao các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho các cá nhân tiêu biểu.
Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện Luật Thi đua - khen thưởng cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, gây khó khăn, vướng mắc. Nhu cầu của xã hội đòi hỏi đã đến lúc luật cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống.
* “Rắc rối” quy định sáng kiến
Một trong những nội dung của luật mà nhiều người cho rằng chưa phù hợp thực tế, thậm chí là trở ngại trong công tác khen thưởng, đó là quy định cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cấp cơ sở phải có sáng kiến. Bà Nguyễn Thị Hồng Đức, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến cho biết, trong thực tế thì số lao động có sáng kiến cải tiến không nhiều. Trên 2 ngàn công nhân của công ty chỉ áp dụng theo các sáng kiến đã có nên lao động xuất sắc là những người tích cực làm việc, đạt năng suất hiệu quả cao. Tương tự, ở ngành cao su, công nhân cạo mủ phần lớn cũng không có sáng kiến. Những công nhân đạt sản lượng khai thác cao là nhờ thao tác nhanh, không có động tác thừa, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và cường độ làm việc cao. Vì thế, cuối năm nhiều người tuy đạt thành tích cao, được bình bầu là CSTĐ nhưng lại gặp trở ngại bởi “rào cản” sáng kiến.
Đối với khối lao động trực tiếp đã khó khăn, khối quản lý hoặc cán bộ công chức thì việc tìm ra sáng kiến đôi khi như “mò kim đáy biển”. Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh kể, đơn vị có một nhân viên lái xe làm việc rất tích cực, hiệu quả nên được cơ quan thống nhất bình xét là CSTĐ cấp cơ sở, nhưng khi phải viết sáng kiến thì tài xế không thể có sáng kiến gì khác ngoài việc tiết kiệm xăng, sửa chữa máy móc. Vậy là khi lên Hội đồng Thi đua - khen thưởng tỉnh, nhân viên này không chỉ “rớt” CSTĐ cấp tỉnh mà còn mất luôn cả CSTĐ cấp cơ sở một cách oan uổng.
“Nếu liên tục đạt danh hiệu CSTĐ cơ sở thì năm nào cũng phải có sáng kiến, điều này là khó khả thi. Vả lại, nếu một sở mà giám đốc năm nào cũng có sáng kiến thì tôi cho rằng cần phải xem xét hiệu quả hoạt động của sở đó” - Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Tùng Chinh, Vụ trưởng cơ quan đại diện tại TP. Hồ Chí Minh của Ban Thi đua - khen thưởng Trung ương khẳng định.
* Cộng dồn thành tích theo thâm niên
Ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp nhận xét, quy định của luật là thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, nhưng các tiêu chuẩn để xét khen thưởng theo luật thì lại mang tính niên hạn, trình tự từ thấp đến cao. Một tập thể sau khi có bằng khen của Thủ tướng thì phải mất thời gian ít nhất 15 năm mới có thể nhận Huân chương Lao động hạng nhất, một cá nhân phải 7 năm liên tục đạt danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở cộng thêm bằng khen của Thủ tướng hoặc 2 lần nhận bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể thì mới được xét tặng Huân chương Lao động hạng ba là quá dài và khó thực hiện trong thực tế. Ngoài ra, quy định đối với khen thưởng cấp cao là phải đạt thành tích liên tục, nếu bị gián đoạn phải bắt đầu lại từ đầu, điều này không chỉ mang tính cộng dồn thành tích theo thâm niên mà còn làm giảm tính phấn đấu của người lao động, không khuyến khích được sự nỗ lực của cá nhân.
Sau 8 năm thực hiện Luật Thi đua - khen thưởng (2004-2011), nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được biểu dương và khen thưởng. Toàn tỉnh đã có 5.704 tập thể lao động xuất sắc, 4.658 CSTĐ cấp tỉnh, 1.033 tập thể nhận cờ thi đua.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm thì cho rằng, nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay khi bình bầu khen thưởng chỉ tập trung vào lãnh đạo. Điều này cũng có lý do vì nếu như đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì rõ ràng phần lớn là nhờ vào khả năng quản lý, hoạch định chiến lược đúng đắn của lãnh đạo, nên việc khen thưởng là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, do chỉ tiêu khen thưởng có hạn nên vô tình đã thiếu tính động viên, ghi nhận thành tích đối với bộ phận làm công tác chuyên môn, lao động trực tiếp. Vì vậy, cần ban hành quy định tỷ lệ xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo nhóm lãnh đạo và nhóm làm công tác chuyên môn, trực tiếp sản xuất.
Ngoài ra, mức khen thưởng cấp cao theo quy định hiện nay cũng chưa phù hợp. Một cá nhân chỉ cần đạt 3 lần CSTĐ cấp cơ sở là đạt danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh sẽ có mức khen thưởng là 3 lần mức lương tối thiểu, trong khi phải 5 lần đạt danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở mới được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhưng mức khen thưởng lại chỉ được 1,5 lần mức lương tối thiểu. “Đây là điều bất hợp lý từ 8 năm nay cần phải sớm được điều chỉnh vì sẽ không khích lệ được sự phấn đấu” - ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh nhận xét.