Được chọn là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Phượng Tiến (Định Hóa), Thái Nguyên đã dựa vào điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng các dự án phát triển phù hợp như: Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; đẩy mạnh công tác thủy lợi gắn với nuôi trồng thủy sản, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp… Tuy nhiên, đối với đặc thù của một xã miền núi thì Phượng Tiến còn phải đối mặt với nhiều khó khăn ở phía trước.
Doanh nghiệp chế biến lâm sản Thiên Sinh giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động thường xuyên của địa phương.
Chuyển biến tích cực
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2011-2015, xã Phượng Tiến đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Ban quản lý chương trình xây dựng NTM. Xã đã tiến hành tổ chức rà soát hiện trạng các hạng mục, tiêu chí của xã để xác định những thuận lợi, khó khăn. Qua đánh giá bước đầu, Phượng Tiến cơ bản đã đạt 9/19 tiêu chí, đó là: Điện, bưu điện, y tế, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh trật tự xã hội, hình thức tổ chức sản xuất, giao thông và trường học.
Hiện nay, xã đang tiếp tục tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với địa phương để tạo bước chuyển biến về kinh tế. Trước tiên, xã phát huy tối đa mọi nguồn lực đã và đang có như tập trung thâm canh các mô hình nông, lâm, ngư và tiểu thủ công nghiệp. Đây là những bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, chuyển dịch ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Một trong những cách làm đem lại hiệu quả mà nông dân xã Phượng Tiến đang thí điểm đó là mô hình nuôi cá ruộng. Tuy đầu năm nay, do thiếu nước nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhân rộng mô hình nhưng xã đã thực hiện thí điểm cho 27 hộ nuôi cá ruộng (tổng diện tích trên 3 ha với hơn 6 vạn con cá giống). Theo đó, mô hình này đang được triển khai trên 4 xóm: Nạ Liền, Nạ Què, Pa Trò và Pa Quải.
Anh Hoàng Văn Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã dẫn chúng tôi đi thăm mô hình của một số hộ như: Hoàng Văn Bút, Hoàng Văn Đợi, Hoàng Văn Tứ, Lương Văn Học… Nhìn chung, các mô hình trên đều phát triển tốt. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, gia đình anh Hoàng Văn Anh cũng là một trong những hộ thực hiện mô hình thâm canh này. Anh Hoàng Văn Anh cho biết: “Với gần 6 sào ruộng, tôi đã thả khoảng 5.700 con cá giống gồm: Cá chép, trôi và rô-phi đơn tính. Trong khoảng hơn 2 tháng chăm sóc, thu được trên 2 tạ cá, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 8 triệu đồng tiền lãi/lứa”.
Ngoài ra, công tác trồng rừng sản xuất ở Phượng Tiến đang được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, diện tích trồng rừng của Phượng Tiến đạt gần 130 ha, trong đó dự án trồng rừng sản xuất đạt 120 ha, trong khi kế hoạch đề ra chỉ là 60 ha. Nâng tổng diện tích phủ xanh của toàn xã lên 95%. Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn xã hiện có 2 doanh nghiệp tư nhân chế biến lâm sản và 1 doanh nghiệp khai thác đá và vật liệu xây dựng. Hiện tại, 3 doanh nghiệp này đang góp phần giải quyết việc làm cho gần 60 lao động thường xuyên trên địa bàn với mức thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học cũng thu hút rất nhiều hộ gia đình tham gia bởi nó đem lại hiệụ quả kinh tế cao. Các mô hình chăn nuôi dê, gia súc, rau sạch, lúa bao thai cũng đã được quy hoạch và đi vào thực hiện.
Những thách thức phía trước
Mặc dù đã có những bước chuyển biến tích cực nhưng Phượng Tiến cũng đang phải đứng trước những khó khăn lớn. Ông Mông Đức Quân, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của xã cho biết: “Mặc dù xã có những thuận lợi và cơ bản đã đạt được một số tiêu chí nhất định nhưng trước mắt còn rất nhiều thách thức, cần sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân”.
Đến nay, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch vẫn là điều khó khăn nhất, đặc biệt là trong phát triển các khu dân cư mới. Bởi với đặc thù của một xã miền núi, nhân dân sống không tập trung. Bên cạnh đó, thu nhập của nhân dân chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp (với 80% dân số làm nông nghiệp); tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khá cao (trên 33% với 322 hộ) trong khi tiêu chí của NTM là dưới 10%. Xã vẫn chưa có chợ để nhân dân giao lưu trao đổi hàng hóa. Một cái khó nữa là thu nhập bình quân theo đầu người/năm còn quá thấp (gần 5 triệu đồng /người/năm)… Tất cả các yếu tố đó tác động không nhỏ đến việc xây dựng các tiêu chí khác như chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, tăng thu nhập và hình thức tổ chức sản xuất.
Để thực hiện đúng các tiêu chí của chủ trương NTM đề ra, Phượng Tiến rất cần sự nỗ lực của chính quyền và bà con nhân dân. Trong đó cần xác định rõ những mục tiêu chính của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Chính vì vậy, họ sẽ phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc hưởng ứng, thực hiện. Đây là vấn đề quan trọng để triển khai thực hiện các tiêu chí khác, đặc biệt là công tác quy hoạch và xây dựng các hạng mục công trình.