Gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

 11632 lượt xem
Chăm chỉ làm ăn, không lùi bước trước thất bại, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã biến những sình lầy, đồi núi trọc…thành những trang trại giàu có, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. 

Chúng tôi đến thăm trang trại của vợ chồng anh Khổng Văn Sinh, thôn Đền Thỏng, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo - một điển hình trong phong trào làm kinh tế giỏi của tỉnh. Anh Sinh tâm sự: “Chuyện làm ăn không phải lúc nào cũng thuận lợi, cái chính là phải có nghị lực để vượt qua khó khăn...". Năm 2006, chia tay nghề xây dựng, buôn gỗ, vợ chồng anh vay gần 500 triệu đồng từ anh em bạn bè và Ngân hàng chính sách xã hội để thầu 12 ha đồi xây dựng chuồng nuôi 4 con dúi, 4 con nhím và 10 con đà điểu. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, thấy các loài động vật này sinh trưởng, phát triển chậm, không sinh lời, vợ chồng anh chuyển sang nuôi hơn 5.000 gà đẻ trứng; trên 1.000 gà thịt; 100 con lợn rừng, lợn mán và 10 con hươu sao lấy nhung.  

Do làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh và tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của anh sinh trưởng, phát triển tốt. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm anh xuất ra thị trường hàng triệu quả trứng gà, trên 3 tạ lợn, 3 tạ gà và gần 3 kg nhung hươu, trừ chi phí cho thu lãi gần 1 tỷ đồng. Anh Sinh cho biết, thời gian tới, anh sẽ mở rộng chuồng nuôi lợn rừng, hươu sao vì 2 loài vật này dễ nuôi, chi phí thức ăn ít, thời gian nuôi ngắn, sinh sản tốt, tỷ lệ sống cao và ít bệnh tật. Mỗi năm hươu cho lấy nhung 1 lần, trung bình 3-4 lạng/con bán với giá 1.800.000 đồng/lạng. Lợn rừng thương phẩm bán ra từ 6-7 triệu đồng, thu lãi khoảng 4 triệu đồng/con. Theo anh Sinh, để hươu sao, lợn rừng phát triển tốt, cần kết hợp nuôi nhốt với chăn thả bán hoang dã ăn thô xanh chiếm 85%.  
 
Cũng táo bạo trong làm ăn, năm 2005, sau khi nhường 2 sào đất cho phát triển công nghiệp, anh Dương Văn Đề, thôn Văn Giáo, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên thầu 3 ha ao đầm ở cánh đồng Nông Lây, với giá 30 triệu đồng trong 5 năm để nuôi cá trắm, chép, mè, trôi. Trên bờ ao, anh xây chuồng nuôi 100 con lợn thịt, 100 đôi chim bồ câu. Mặc dù thường xuyên thay nước nhưng cá vẫn chậm lớn, mỗi năm cho thu hoạch 1 đợt, trừ mọi chi phí, anh thu lãi gần 50 triệu đồng. Đầu năm 2009, đang lúc phân vân do cá chậm lớn, dịch lợn tai xanh hoành hành thì anh được cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh đến giới thiệu về giống cá rô phi Đường Nghiệp. Sau khi nắm được những ưu điểm vượt trội và được Chi cục Thủy sản cam kết hỗ trợ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc giống cá này, anh Đề đầu tư 50 triệu đồng cải tạo 0,25ha ao, nuôi thử nghiệm 10.000 con cá giống rô phi Đường Nghiệp. Để cá lớn nhanh và tiết kiệm nguồn thức ăn, quá trình cho cá ăn, anh Đề tuân thủ theo nguyên tắc 4 định: Định lượng, định chất, định thời gian và định vị trí. Những ngày thời tiết thay đổi, cá bị nổi đầu ngừng không cho ăn. Mỗi tháng tiến hành thay nước định kỳ 2-4 lần; kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá định kỳ 2 lần/tháng để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Tháng 11/2011, sau 6 tháng nuôi, cá rô phi Đường Nghiệp có trọng lượng bình quân 700g/con, năng suất đạt 22,70 tấn/ha. Bán với giá 45.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, gia đình anh thu lãi 110 triệu đồng, cao gấp 4 lần nuôi các loại cá truyền thống.  
 
Từ hiệu quả trên, tháng 12/2011, anh Đề tiếp tục cải tạo 1ha ao, nuôi 22.000 cá rô phi Đường Nghiệp với 650 con cá chép Indonesia. Anh Đề cho biết, do cá rô phi Đường Nghiệp và cá chép có chung một "gu" thức ăn nên việc nuôi kết hợp rất thuận lợi. Hiện nay, sau hơn 6 tháng nuôi, con lớn nhất đạt trọng lượng 1.4 kg. Với việc tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, hy vọng lứa cá này sẽ thành công, cho lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng”- anh Đề nói. 
 
Không chỉ có gia đình anh Sinh, anh Đề, đến nay, toàn tỉnh có 62.000 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.  Kết quả này có đóng góp lớn của Hội Nông dân các cấp với vai trò là “bà đỡ” cho các mô hình phát triển kinh tế của hội viên. Năm 2011, Hội Nông dân các cấp đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội uỷ thác cho 32.800 lượt hộ hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ trên 560.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế trang trại chiếm trên 40%.  
 
 
Ý kiến của bạn