Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Yên Phương (Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, đồng thời khuyến khích các hộ dân tận dụng diện tích đất trũng xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp nhằm thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Vụ xuân năm 2012, đối với diện tích đất màu phân tán tại các đội 7, 8, 9, các hộ trồng 13ha lạc xuân với giống chủ đạo là L18, diện tích còn lại trồng rau màu các loại theo mùa vụ. Năng suất lạc xuân nhiều năm liền đạt khoảng 160 kg/sào, sau khi trừ chi phí, thu lãi 1,3-1,5 triệu đồng/sào/vụ. Đối với diện tích 314ha đất hai vụ lúa, xã khuyến khích bà con nông dân cấy các giống lúa có giá trị kinh tế như: Bắc thơm số 7, Khang Dân 18… và áp dụng biện pháp gieo sạ hàng trên một số diện tích. Đối với một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả, xã chủ trương quy hoạch thành vùng chuyển đổi sang nuôi thuỷ sản, chăn nuôi; đã thu hút trên 40 hộ tham gia xây dựng các trang trại, gia trại tổng hợp theo mô hình cá luồn lúa, chăn nuôi tổng hợp và phát triển kinh tế sinh vật cảnh… với mức thu nhập từ 85-100 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ có diện tích lớn trên 1ha, có thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/năm như hộ các ông: Nguyễn Trung Châm, đội 7; Vũ Mạnh Cường đội 5; Đinh Quang Tiến, đội 9; Đỗ Đình Tám, đội 1; Đào Duy Phát, Vũ Duy Bảo, đội 3… Với việc đề ra cơ chế khuyến khích các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, tổng đàn lợn trong xã thường xuyên đạt trên 3.100 con, trong đó gần 400 con lợn nái phục vụ tái tạo đàn lợn giống cung ứng cho các hộ dân; đàn gia cầm đạt 25-27 nghìn con. Để phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, xã thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng đầy đủ; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây hầm biogas đồng thời thông tin dự báo kịp thời về thị trường cho các chủ trang trại, gia trại... Năm 2011, tổng thu nhập từ chăn nuôi của xã đạt trên 20,1 tỷ đồng, tăng trên 17,8% so với năm 2010. Ngoài ra, xã có trên 200 hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, phương tiện vận chuyển, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, may công nghiệp…, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Năm 2011, anh Trần Văn Minh, thôn Mỹ Lộc đã đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng 200m2 nhà xưởng, mua 33 máy may công nghiệp và một số máy chuyên dụng như: máy vắt sổ, máy cắt… phát triển nghề may gia công cho các Cty ở Hà Nội. Đầu năm nay, xưởng may thời trang Minh Anh của anh đã chính thức đi vào hoạt động, mỗi tháng sản xuất được 11-12 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho 40 lao động với thu nhập ổn định 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế phát triển, đời sống của người dân Yên Phương đang từng bước được cải thiện, số hộ nghèo giảm, số hộ khá, giàu tăng nhanh. Năm 2011, tổng giá trị thu nhập từ trồng trọt, nuôi thủy sản của xã đạt trên 28,2 tỷ đồng, tăng trên 50% so với năm 2010, tổng sản lượng lương thực đạt trên 3.700 tấn, tăng 11,84%. Trong đó, năng suất lúa đạt gần 113,5 tạ/ha/năm, cao nhất từ trước đến nay, góp phần nâng giá trị thu nhập trên một ha trên 83,6 triệu đồng. Trong năm 2012, xã phấn đấu hoàn thành dồn điền đổi thửa phục vụ đưa cơ giới hoá và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất góp phần nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 90 triệu đồng/ha/năm, tổng giá trị thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản lên 50 tỷ đồng. Tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.