Như Báo Nhân Dân đã đưa tin, vừa qua, tại TP Ðà Nẵng, đã diễn ra Hội nghị biểu dương Người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH), Bộ Quốc phòng, Báo Nhân Dân và UBND thành phố Ðà Nẵng phối hợp tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2012). Hội nghị biểu dương gần 400 đại biểu, đại diện cho hàng triệu người có công trên cả nước, những con người đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc các ý kiến phát biểu tại hội nghị.
Cả xã hội chung tay chăm sóc người có công
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng LÐ-TB và XH nêu rõ: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với truyền thống và đạo lý của dân tộc, 65 năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thương binh, liệt sĩ, người có công. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, công tác chăm sóc người có công đã phát triển một cách vững chắc, sâu rộng, ngày càng được xã hội hóa cao. Phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì nước và đó cũng là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng đã nêu rõ: 'Huy động mọi nguồn lực xã hội, cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công... tạo điều kiện, khuyến khích người và gia đình có công tích cực tham gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn'. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về thực hiện chính sách, pháp luật cho người có công với cách mạng; Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, những điều đó thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước ta đối với người có công với nước.
Trong lời phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng thay mặt Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Ðà Nẵng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, đại diện cho hàng triệu tấm gương người có công với cách mạng tiêu biểu trên cả nước đã về dự hội nghị. Ðồng chí đánh giá cao và cảm ơn các cơ quan đã có sáng kiến tổ chức hội nghị tại Ðà Nẵng, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, cũng như bao miền quê trên khắp đất nước Việt Nam, quê hương Ðà Nẵng có hàng nghìn người con ưu tú ra trận và hơn 15.500 chiến sĩ đã ngã xuống, cả thành phố có 1.588 bà mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ để lại một phần thân thể nơi chiến trường và biết bao tấm gương hy sinh thầm lặng sẽ mãi mãi là bài học, là tấm gương sáng cho chúng ta và các thế hệ mai sau noi theo. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua Ðảng bộ và nhân dân TP Ðà Nẵng luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 2007, Ðà Nẵng đã giải quyết cơ bản về nhà ở cho các gia đình chính sách; không còn hộ chính sách nghèo, có gần 90% số gia đình chính sách có mức sống từ trung bình khá trở lên.
Thay mặt các cơ quan đồng tổ chức hội nghị, đồng chí Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng LÐ-TB và XH đọc Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách chăm sóc người có công trong năm qua. Báo cáo nêu rõ: Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 là sự kiện quan trọng của đất nước, biểu thị trách nhiệm và tình cảm sâu nặng, sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. 65 năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết vấn đề liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi đối với người có công ngày càng hoàn thiện. Ðối tượng người có công được mở rộng, chế độ ưu đãi ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm sự công bằng và đồng thuận của xã hội. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sĩ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cùng với chính sách của Nhà nước, phong trào 'Ðền ơn đáp nghĩa' được phát triển rộng khắp.
Ðến nay, cả nước có hơn 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Trong đó, có 1 triệu 146 nghìn 250 liệt sĩ; hơn 3.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; hơn 780 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 1.253 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng; khoảng 187 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; khoảng hơn 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc... Hiện còn hơn 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước.
Tại hội nghị đầy ý nghĩa này, thay mặt toàn thể anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ và hàng triệu người có công trong cả nước, đồng chí Bùi Hồng Lĩnh bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp ủy Ðảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội và toàn dân đối với các đối tượng người có công với cách mạng.
Thay mặt Bộ Quốc phòng, Trung tướng Ðào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam phát biểu ý kiến nêu rõ, 65 năm qua, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Ðảng ta, nhân dân và Quân đội ta luôn phát huy truyền thống đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', 'Ðền ơn đáp nghĩa', làm tốt việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam trân trọng cảm ơn Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân đã tập trung sức để làm tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, chăm sóc người có công với cách mạng. Ðó chẳng những là sự tri ân người có công mà còn là sự động viên to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời gian tới, các đơn vị trong toàn quân tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là một nội dung, một nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ, đơn vị; tiếp tục quán triệt thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Thường vụ Quân ủy T.Ư về lãnh đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; tích cực tham gia có hiệu quả phong trào 'Ðền ơn đáp nghĩa'. Ðộng viên các đối tượng chính sách đang công tác trong Quân đội phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ quân đội lần thứ 9 và Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng.
Luôn nêu cao tinh thần cách mạng
Tại hội nghị, những tấm gương người có công với cách mạng tiêu biểu có dịp trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội, hỗ trợ đồng đội cùng vươn lên trong cuộc sống.
Người cựu chiến binh Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty Hoàng Tuấn đến với hội nghị trong dáng vẻ chất phác, đôn hậu của người vùng quê Thanh Hóa.
Năm 1972, theo tiếng gọi của Ðảng, người con của quê hương Sông Mã anh hùng lên đường nhập ngũ và tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại các chiến trường miền nam, chiến trường Tây Nguyên cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Trở về sau chiến tranh, ông bắt tay vào làm kinh tế gia đình. Với ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao của người lính được rèn giũa trong chiến đấu, nên năm đầu đã cho thu nhập 20 triệu đồng/năm. Từ nguồn vốn ít ỏi, ông vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất và thành lập công ty xây dựng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn giúp đỡ nhiều người dân quê hương có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, công ty tạo việc làm cho 188 lao động, trong đó có 120 lao động là con, em thương binh, liệt sĩ, người có công và các gia đình nông dân tại địa phương với mức lương từ 3,5 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, công ty trích lợi nhuận từ 300 đến 400 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình chính sách, làm công tác từ thiện xã hội như đỡ đầu nhiều cháu là con thương binh, cựu chiến binh, giúp các cháu vươn lên học tập tốt và xây nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách.
Tự hào với truyền thống 'Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang' của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến và phẩm chất 'năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang' trong thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Thị Thao, người con của TP Ðà Nẵng, thương binh hạng 3/4 tâm sự, bà tham gia cách mạng từ năm 1960, khi chưa đầy 19 tuổi. Từ một cô gái thanh niên xung phong thuộc Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Quảng Ðà, bà đã nhập ngũ và trở thành chiến sĩ lái xe thuộc Tiểu đoàn vận tải nữ 232, Cục Hậu cần Quân khu 5. Sau nhiều năm tham gia vận chuyển vũ khí, hàng hóa phục vụ chiến đấu, bà đảm nhiệm cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải nữ trên chiến trường miền trung, Tây Nguyên. Ở thời điểm đó, Tiểu đoàn vận tải nữ 'Bà Thao' đã trở nên nổi tiếng trên khắp các chiến trường, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, góp phần cùng quân và dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày giải phóng, bà được Nhà nước phân công đảm trách nhiều chức vụ khác nhau. Sau khi về hưu, bà tiếp tục tham gia công tác xã hội, là đại biểu HÐND, Phó Chủ tịch MTTQ phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng. Trong thời gian này, bà cùng tập thể MTTQ phường vận động Quỹ vì người nghèo và đã sửa chữa, xây dựng 70 ngôi nhà Ðại đoàn kết, với tổng số tiền 450 triệu đồng; trợ cấp khó khăn cho 215 trường hợp với số tiền 86 triệu đồng. Ðồng thời, bà tích cực tham gia công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và nhiều hoạt động xã hội khác. Khi được hỏi động lực nào đã giúp một thương binh với tỷ lệ thương tật 41% như bà có thể thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện như vậy, bà cho biết bà chỉ tâm niệm một điều là còn sức thì còn phải làm những việc có ích, giúp đỡ đồng đội, giúp đỡ những gia đình chính sách, vì chính nhờ có họ chúng ta có được cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay.
Trở về từ chiến trường miền nam và để lại một phần máu thịt. Giống như bao người lính khác, thương binh hạng 2/4 Lê Thanh Hải, người con đất cảng Hải Phòng gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Ông trăn trở, nghĩ suy làm cách nào để giải quyết khó khăn trước mắt, giúp đỡ những người lính sau khi trở về với cuộc sống và đóng góp một phần công sức cho quê hương đất nước.
Sẵn có kiến thức về ngành xây dựng và nhờ tinh thần ham học hỏi, ông đã tập hợp 18 anh em thương binh, bệnh binh cùng nhau thành lập công ty khoan khảo sát trắc địa, khoan nhồi cọc và ép cọc phục vụ cho các công trình xây dựng. Sau gần 10 năm gây dựng, đến nay công ty đã phát triển nhanh và vững mạnh, được các đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao. Công ty tạo việc làm cho khoảng 300 lao động, với thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng, thực hiện chính sách tuyển dụng lao động khuyết tật. Trong những năm qua, công ty tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện với số tiền gần một tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức quyên góp hỗ trợ các trường hợp đặc biệt khó khăn, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, người khuyết tật..., tặng sổ tiết kiệm cho nhiều gia đình chính sách, hội nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ kinh phí cho trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Khi được hỏi về những việc đã làm, ông khiêm tốn nói: 'Những việc mình làm hôm nay chỉ là một phần nhỏ bé tri ân những người đã ngã xuống và những người để lại một phần máu thịt nơi chiến trường để có ngày đất nước được độc lập'.
Ðến từ quê hương Ðồng Tháp giàu truyền thống cách mạng, người thương binh hạng 1/4, với tỷ lệ thương tật 89% Ðặng Thị Bảy chia sẻ với hội nghị những kỷ niệm của một thời chiến đấu hào hùng và lời hứa với đồng đội mà bà luôn khắc ghi trong lòng.
Năm 1958, khi vừa tròn mười ba tuổi, người con gái vùng Ðồng Tháp Mười tham gia cách mạng với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Với những thành tích trong chiến đấu, năm 1965, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ Ðảng Cộng sản Việt Nam. Bà nhớ lại, nơi bà công tác là địa bàn trọng yếu của Tỉnh ủy, Huyện ủy, nên bị địch ra sức ruồng bố dữ dội. Vì vậy, sau lễ kết nạp, 20 đảng viên mới hứa với nhau: 'Ðến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống'. Thế rồi, sau một trận càn của địch, bà bị thương và liệt nửa người, còn 19 đồng đội đã anh dũng hy sinh. Từ sau ngày giải phóng đất nước, bà luôn đau đáu nỗi lòng tìm cách thực hiện lời hứa với 19 đồng đội đã an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp. Mặc dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng cuối năm 2010, bà đã đóng góp 72 triệu đồng, số tiền dành dụm trong 12 năm vào việc tu sửa Nghĩa trang Liệt sĩ của xã thêm khang trang, sạch đẹp.
Ðến nay, dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, ba mảnh đạn vẫn còn nằm lại trong đầu thường xuyên gây đau nhức, mất ngủ nhưng bà mãn nguyện vì đã thực hiện được lời hứa năm xưa với các đồng chí, đồng đội của mình.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các tấm gương người có công với cách mạng tiêu biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu ý kiến, nêu rõ: Kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong cuộc đấu tranh trường kỳ, vô cùng gian khổ và ác liệt vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, hơn 80 năm qua, biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cao cả đó. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã tô thắm thêm lá cờ cách mạng, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã góp phần làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do; sự hy sinh đó đã làm rạng rỡ dân tộc ta, vẻ vang giống nòi, để Tổ quốc sống mãi.
Chủ tịch nước nhiệt liệt biểu dương tinh thần cách mạng, ý chí vươn lên mạnh mẽ và những kết quả đạt được của các tấm gương người có công với cách mạng. Ðồng thời, bày tỏ lòng tri ân và biết ơn vô hạn các anh hùng, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh và người có công về những hy sinh cao cả và những đóng góp hết sức to lớn đối với đất nước ta.
Chủ tịch nước mong rằng, các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa, giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, không ngừng cải thiện đời sống gia đình, đóng góp cho quê hương, đất nước, trở thành những công dân kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, niềm tự hào mãi mãi và tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Phát biểu ý kiến tổng kết hội nghị, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, thay mặt các cơ quan đồng tổ chức hội nghị nêu rõ, việc tổ chức hội nghị này là một trong số rất nhiều hoạt động thể hiện sự trân trọng, biết ơn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người có công với nước. Qua các ý kiến phát biểu, chúng ta càng cảm phục những tấm gương tiêu biểu của những người có công với nước có mặt tại hội nghị hôm nay.
Ðồng chí nhấn mạnh, nghe các ý kiến phát biểu của các đại biểu và đại diện các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, chúng ta càng thấm thía, trân trọng sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước; đồng thời càng thấu hiểu và chia sẻ những nỗi nhọc nhằn, vất vả, khâm phục ý chí vượt khó và sự nỗ lực phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp hơn của các đối tượng chính sách trong thời gian qua. Ðó là những tấm gương sáng, những nhân tố mới, điển hình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, những điển hình tiên tiến 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những người có công với cách mạng vẫn luôn thể hiện tinh thần gương mẫu, ý chí kiên cường, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: 'Thương binh tàn nhưng không phế'.
Ðồng chí khẳng định, công tác người có công với cách mạng và phong trào 'Ðền ơn đáp nghĩa', 'Uống nước nhớ nguồn' luôn là một trong những đề tài thu hút tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó có Báo Nhân Dân. Từ nhiều năm nay, các ấn phẩm của Báo Nhân Dân đã dành cho công tác tuyên truyền về chủ đề này vị trí thật xứng đáng. Cùng với công tác tuyên truyền, hằng năm Báo Nhân Dân cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể giúp đỡ các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn góp phần cùng toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện mục tiêu cải thiện và nâng cao mức sống của gia đình chính sách, như Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng đã đề ra.