Chị Võ Thị Kim Tươi, 41 tuổi nhưng chị đã có 17 năm làm công tác chuyên trách dân số tại thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ). Những đóng góp của chị đã góp phần không nhỏ giúp thị trấn Long Mỹ nhiều năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu huyện trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).
Khắc phục khó khăn
Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, với 8 người. Cuộc sống gia đình chị gặp nhiều khó khăn, vất vả, thiếu trước hụt sau và chị không thể tiếp tục nuôi ước mơ của mình vào giảng đường đại học. Năm 1994, sau khi học xong THPT chị tự nguyện tham gia làm công tác viên (CTV) dân số rồi dần dần trở thành cán bộ chuyên trách dân số thị trấn.
Chị Võ Thị Kim Tươi (bìa phải) thường xuyên quan tâm thăm hỏi
các gia đình thực hiện KHHGĐ
Sau 17 năm tham gia công tác dân số, hầu như mọi ngõ ngách, đường mòn nào của thị trấn Long Mỹ đều in dấu chân của chị. Thời gian ấy, chị gặp không ít thuận lợi, khó khăn và những kỷ niệm trong quá trình vận động, tuyên truyền. Thuận lợi đầu tiên là chị cũng tham gia Hội Phụ nữ nên nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của chị em. Tuy nhiên, những khó khăn trong công tác cũng không ít. Trước đây, một số người dân do chưa nhận thức đúng về việc KHHGĐ nên khi CTV dân số đến tuyên truyền thường họ có những hành động, thái độ thiếu thiện cảm. Nhưng chị Tươi không nản mà chị tìm mọi cách thuyết phục gia đình để họ thấy được lợi ích của việc KHHGĐ mà thực hiện.
Chị Tươi vẫn nhớ câu chuyện khi mới bước vào nghề, trong một lần đi tuyên truyền. Hôm đó, chị đến một gia đình sinh con một bề trong ấp vận động ký cam kết không sinh con thứ 3. Câu chuyện đang diễn ra suôn sẻ thì mẹ chồng người được vận động biết chuyện liền phản đối dữ dội, không cho con dâu ký vào cam kết. Theo bà, con dâu phải đẻ thêm vài đứa cháu nữa cho vui cửa, vui nhà. Chị Tươi ra về mà lòng nặng trĩu, bâng khuâng, không biết làm thế nào để bà mẹ hiểu. Hôm sau, chị Tươi đến gặp bố chồng người được vận động và đã nhận được sự cảm thông. Khi chị quay trở lại gia đình ấy thì được bà mẹ tiếp đón niềm nở. Đến nay, gia đình ấy sống rất hạnh phúc, hai con đều trưởng thành.
Tạo dựng lòng tin
Đó là kinh nghiệm của chị Tươi sau nhiều năm làm công tác dân số. Theo chị, tuyên truyền KHHGĐ với những người dân nông thôn không dễ, bởi vẫn còn không ít người có tư tưởng cũ, muốn “con đàn, cháu đống” hay “có con trai để nối dõi tông đường”. Vì vậy, muốn tuyên truyền để người dân nghe theo thì CTV, cán bộ chuyên trách dân số phải hiểu được tính cách của người được vận động, đặc biệt là phải tạo lòng tin trong nhân dân. Trong tuyên truyền, chị Tươi thường nêu gương điển hình trong thực tế của những gia đình sinh ít con, có điều kiện chăm sóc con cái thành đạt, đồng thời kể chuyện những gia đình đông con khiến kinh tế khó khăn, con cái học hành sa sút...
Hàng tuần, chị Tươi thường xuyên đến những gia đình trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là gia đình sinh con một bề để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, kịp thời đưa ra những lời khuyên bổ ích. Chị cho biết: “Có những gia đình mình đến vận động 3-4 năm họ vẫn không thực hiện, vì gia đình họ khó khăn nên đi làm thuê làm mướn suốt. Nếu họ hứa chỉ là hứa suông…”. Với những trường hợp đó, chị đã tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ mà có phương pháp giúp đỡ. Chị nói tiếp: “Có những trường hợp gia đình họ khó khăn, nhờ mình giúp đỡ thì họ mới thực hiện. Lúc đó, mình sẵn sàng giúp đỡ họ không chỉ tiền bạc, mà còn nhiều thứ như gạo, nước mắm…”. Ngoài ra, có những gia đình khó khăn về nhà cửa, chị sẵn sàng tham mưu với lãnh đạo ưu tiên, hỗ trợ nhà cửa cho những gia đình đó, vì thế lòng tin của chị đối với nhân dân là rất lớn. Ông Phan Văn Nhị, ở ấp 4, thị trấn Long Mỹ, trước đây do không biết KHHGĐ nên gia đình ông có đến 9 người con. Do đó, cuộc sống gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn. Thấy được hoàn cảnh đó, chị Tươi xuống vận động, giải thích cặn kẽ việc thực hiện KHHGĐ. Thấy lời giải thích có tình có lý, ông Nhị tự nguyện thực hiện đình sản. Đến nay, các con của ông nếu ai sinh được hai con là ông đều động viên nên thực hiện KHHGĐ. Ông Nhị cho biết: “Lúc trước, nhà tôi đâu biết KHHGĐ là gì đâu nên sinh đông con, nhưng được cô Tươi xuống giải thích nên tôi mới biết và thực hiện. Các con tôi bây giờ cũng thực hiện KHHGĐ rất tốt”.
Trước khi bước vào chiến dịch chị thường tham mưu lên cấp ủy, lập kế hoạch trong công tác tuyên truyền, vận động đến với từng ấp, địa bàn sao cho phù hợp. Từ đó, các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Do đó, những chỉ tiêu mà thị trấn đề ra đều thực hiện rất nhanh chóng, nhiều năm liền đạt thứ hạng cao của huyện Long Mỹ. Trong chiến dịch năm nay, thị trấn Long Mỹ dẫn đầu cụm và cũng là đơn vị đứng nhất, nhì của huyện với 25/10 ca đình sản; 181/173 ca vòng tránh thai; 18/14 ca thuốc cấy; 683/503 ca thuốc uống; 461/338 bao cao su..
Ông Hồ Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Long Mỹ, cho biết: “Chị Tươi là một cán bộ có năng lực, đặc biệt chị rất tận tâm, năng động với công việc”. Ghi nhận những đóng góp của chị Tươi, chị đã được tặng kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen từ Bộ Y tế, UBND tỉnh, UBND huyện vì sự nghiệp dân số.