Bài học của huyện Từ Liêm: Triển khai đồng bộ, làm bài bản

 7544 lượt xem
Trong khi phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ngay tại các xã điểm của TP và các huyện, thị "đường tới đích vẫn còn xa" thì ở huyện Từ Liêm, nhiều xã đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí. Mục tiêu của huyện năm 2012 có 3 xã Tây Tựu, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc và đến năm 2015, 80% số xã trong toàn huyện hoàn thành xây dựng NTM. 

Huy động mọi nguồn lực

Có thể khẳng định, huyện Từ Liêm đã dành những ưu tiên đặc biệt cho chương trình xây dựng NTM. Theo Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Trường, chỉ trong 2 năm (2011-2012), ngoài nguồn vốn TP hỗ trợ 9,05 tỷ đồng, huyện Từ Liêm đã bố trí ngân sách hơn 788 tỷ đồng, riêng năm 2012 là 307 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư cho xây dựng cơ bản, nhằm mục tiêu nâng cao đời sống người dân: hệ thống cấp nước sạch của huyện đã cấp mới cho 7.000 hộ dân, cung cấp điện mới cho 6.000 hộ, đầu tư y tế dự phòng 10 tỷ đồng. Đồng thời, quy hoạch gần 300 dự án với gần 200ha (trong đó có 211 điểm đất xen kẹt quy hoạch làm nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao); kè 22 hồ tạo cảnh quan, môi trường và chống lấn chiếm... Tại 3 xã Tây Tựu, Minh Khai, Phú Diễn, huyện đã đầu tư mở rộng các trục đường làng từ 2,5m lên 5m, nhiều hộ dân đã tự nguyện đổi đất để mở đường.
 
Cùng với hàng trăm tỷ đồng ngân sách đầu tư, Từ Liêm huy động sự chung sức của toàn xã hội tham gia xây dựng NTM. Tại xã Tây Tựu, trong những ngày cuối tháng 6, hàng trăm chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ cùng cán bộ và nhân dân trong xã tham gia nạo vét kênh mương, làm sạch đường làng. Hàng nghìn kilômét kênh mương tưới tiêu thuộc thôn 2 xã Tây Tựu đã được nạo vét, khơi thông. Chủ tịch UBND xã Tây Tựu Lê Văn Việt hồ hởi: "Đây là khu vực thường xảy ra ngập úng nặng mỗi khi có mưa to, đã nhiều lần gây thiệt hại đến diện tích trồng hoa, trồng rau của các hộ dân. Sau khi kênh mương được khơi thông, người dân sẽ yên tâm hơn khi đầu tư cho sản xuất". Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Thị Huệ cho biết, toàn huyện đã huy động được 245 tỷ đồng nhân dân đóng góp để đầu tư, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, điểm vui chơi, sân bóng, đường ngõ… trong các thôn, làng. Huy động các ngành, các lĩnh vực chung sức xây dựng NTM, nạo vét hơn 140.000km kênh mương… Đến nay, các trục đường xã, thôn, xóm, ngõ ở Từ Liêm đều được cứng hóa khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện cho người dân phát triển KT-XH.
 
Năng động tháo gỡ khó khăn
 
Là huyện ven đô, Từ Liêm có khá nhiều lợi thế trong xây dựng NTM, tuy nhiên đặc thù này cũng khiến huyện gặp phải không ít khó khăn. Theo Bí thư Huyện ủy Lê Xuân Trường: "Trên địa bàn huyện có 8 quy hoạch phân khu TP nên khi lập quy hoạch NTM phải chờ hướng dẫn của các sở, ngành, làm chậm tiến độ quy hoạch. Công tác dồn điền đổi thửa cũng chưa thể triển khai do phải chờ TP quyết định về các quy hoạch phân khu nên chưa xác định được diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định. Bên cạnh đó là hàng loạt các khó khăn khác như tệ nạn xã hội, tình trạng sinh con thứ ba còn nhiều".
 
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, mới đây huyện Từ Liêm đã xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển KT-XH và đầu tư đến năm 2015, xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 báo cáo TP. Huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng đề án NTM tại các xã, đồng thời xây dựng 15 đề án của các ngành hỗ trợ NTM như: Đề án "Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và duy trì chuẩn quốc gia y tế"; đề án "Dân số - kế hoạch hóa gia đình"; đề án "Vệ sinh môi trường và đăng ký tuyến đường tự quản". Đối với phát triển kinh tế, huyện đã xây dựng đề án "Quản lý, phát triển hoa, cây cảnh, đưa nông nghiệp phù hợp với thực trạng đô thị hóa". Đặc biệt, Từ Liêm đã xây dựng đề án "Vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015" và kế hoạch thực hiện "Đợt thi đua cao điểm vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM năm 2012" giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn được nhân dân hưởng ứng tích cực và tác động trực tiếp đến phong trào xây dựng NTM. Đến nay, huyện Từ Liêm đã có 5/15 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên: Xã Đông Ngạc đạt 17 tiêu chí, 2 tiêu chí còn lại cơ bản đạt; xã Xuân Phương đạt 16 tiêu chí, 2 tiêu chí cơ bản đạt và 1 tiêu chí chưa đạt; xã Mỹ Đình đạt 16 tiêu chí, 1 tiêu chí cơ bản đạt, 2 tiêu chí chưa đạt; xã Xuân Đỉnh đạt 15 tiêu chí, 3 tiêu chí cơ bản đạt, 1 tiêu chí chưa đạt; xã Cổ Nhuế đạt 15 tiêu chí, 4 tiêu chí cơ bản đạt. Ngoài ra, 10 xã còn lại cũng đều đạt 10/19 tiêu chí trở lên.
 
 
Ý kiến của bạn