Giải pháp xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu gắn xây dựng NTM

 8462 lượt xem
Để bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc phong phú của địa phương, khai thác được tối đa những tiềm năng du lịch đang có, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; ngày 7. 2. 2012, tại Khu du lịch sinh thái Panhou, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình xây dựng làng Văn hóa du lịch (VHDL) tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM). 

Theo đó, trong năm 2012, tỉnh dự kiến xây dựng 11 làng VHDL tiêu biểu trên 11 huyện, thành phố. Các làng được lựa chọn phải nằm trong xã NTM đáp ứng được 10 tiêu chí, như: Có văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, có các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có làng nghề truyền thống, phi truyền thống... 

Chủ trương này đem lại sự thay đổi theo hướng tích cực, đặc biệt người dân phần nào đã hiểu được ý nghĩa của việc phát triển DLCĐ gắn với phát triển kinh tế, ý thức bảo tồn văn hóa và tham gia hiệu quả vào các hoạt động phát triển DLCĐ. Nhưng bên cạnh những mặt tích cực đó mặc dù với một quyết tâm cao, việc tổ chức triển khai đồng bộ từ UBND tỉnh đến các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân, song cho đến nay tiến trình xây dựng làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đồng thời bộc lộ ra những điều bất cập trong quá trình thực hiện.
 
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 46 làng VNDL cộng đồng đã và đang được triển khai, trong đó có 29 làng đã chính thức ra mắt hoạt động. Thực tế trong 29 làng VHDL cộng đồng có tới 80% số làng rất ít có khách, những làng có khách đến tham quan số lượng cũng không nhiều, đây cũng là dự báo cho kết quả của 11 làng VHDL tiêu biểu trong tương lai. Hơn nữa, việc lồng ghép quá nhiều mục đích trong một chương trình không tránh khỏi việc đưa ra những chính sách thiếu tính khoa học, đặc biệttrong vấn đề phát triển và bảo tồn.
 
Trên cơ sở lý luận, một làng VHDL cộng đồng phải đáp ứng được 4 yếu tố sau:
 
Một: Sức hấp dẫn tự thân của làng, bao gồm vị trí địa lý (gần trung tâm du lịch, nằm trên tuyến du lịch), tài nguyên du lịch văn hóa (sự độc đáo và phong phú của nguồn tài nguyên). 
 
Hai:Cảnh quan thiên nhiên sạch đẹp, có sắc thái tộc người: Có rừng cây, suối, thác, núi, hang động đồng thời phải mang bản sắc đặc trưng văn hóa của từng tộc người, từng vùng. Đặc trưng này phải phản ánh cả ở cấu trúc không gian vật chất của làng gồm: Đường làng, không gian ở, không gian sản xuất (nương rẫy, ruộng bậc thang, cánh đồng...). 
 
Ba: Những nhân tố liên quan đến việc thu hút du khách lưu lại ở làng. Đó là cơ sở lưu trú, nhà vệ sinh, cơ sở ăn uống và đặc biệt là dịch vụ vui chơi giải trí (lễ hội, văn nghệ) và mua sắm các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ...
 
Bốn: Phải bảo tồn được tính nguyên bản của các giá trị văn hóa giàu bản sắc, đích thực, sống động trong cuộc sống hàng ngày của người dân. 
 
Thực tế, với các tỉnh có tiềm năng lớn và bề dày phát triển du lịch trong vùng chưa có tỉnh nào xây dựng nhiều làng VHDL cộng đồng và làng VHDL tiêu biểu như Hà Giang. Với nguồn vốn đầu tư ít, đầu tư dàn trải thì công trình rất khó đạt yêu cầu để đi vào sử dụng phục vụ khách du lịch. Mặt khác, nếu chỉ để xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ các yêu cầu về xây dựng NTM thì không quá khó, nhưng làm thế nào để thu hút được khách du lịch đến với mình, đạt được mục tiêu cuối cùng đó là tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân thì quả là không đơn giản. 
 
Việc lựa chọn các làng để xây dựng mô hình làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM, nếu phân tích kỹ chúng ta sẽ nhận thấy trong 11 làng được chọn có 6 làng là của dân tộc Tày, 2 làng là của dân tộc Dao, 1 làng của dân tộc Giấy, 1 làng là của dân tộc Lô Lô và 1 làng là của dân tộc Mông. 
 
6 làng VHDL tiêu biểu mang bản sắc của dân tộc Tày nằm ở các huyện Quang Bình, Xín Mần, Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang và Bắc Mê nằm nối liền nhau từ phía Tây đến phía Tây Nam Hà Giang...Về mặt nào đó thị trường sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn điểm du lịch, nhưng vô hình chung chúng ta lại đặt các làng đó vào thế cạnh tranh lẫn nhau. Hơn nữa, ngoàinhững làng được thiên nhiên ưu ái ban cho những lợi thế như vị trí địa lý thuận lợi, phong cảnh thiên nhiên sạch đẹp, có sắc thái tộc người... như thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang (dân tộc Tày); thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (dân tộc Dao); thôn Lũng Cẩm trên, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (dân tộc Mông); thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (dân tộc Dao); thôn Bục Bản, thị trấn Yên Minh (dân tộc Giấy) ra thì một số làng khác chính quyền địa phương phải tìm câu trả lời cho việc làm thế nào tạo ra được những sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến với mình khi thiên nhiên không ban cho một phong cảnh hấp dẫn, khi sắc thái tộc người đã bị mai một theo sự phát triển của xã hội.
 
Trong vấn đề xây dựng các làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM, nếu các theo tiêu chí đưa ra các làng đều có cổng làng và những con đường bê tông chạy dài thì có lẽ chúng ta, khách du lịch từ nơi khác đến không khỏi liên tưởng tới một ngôi làng của đồng bào vùng đồng bằng. Đâu còn nữa một khung cảnh Làng của đồng bào người Mông vùng Cao nguyên đá, đâu còn nữa một ngôi Làng cổ của đồng bào người Dao, người Tày vốn gần gũi với thiên nhiên. 
 
Cách đây 6-7 năm, khi đó khái niệm DLCĐ vẫn còn khá mới mẻ vớingười dân Hà Giang, trên địa bàn có một số làng VHDL thường hay có khách tới đó là bản Mè, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang; làng dân tộc Mông xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn... Hiện nay, với bàn tay của con người con đường vào bản Mè xưa kia không còn nữa, những hàng rào bằng tre đơn sơ cũng mất đi thay vào đó là bộ mặt khang trang của từng mái nhà, từng bờ rào, từng ô cửa. Phố Cáo nay cũng đã khác xưa nhiều... và cơ hội cho chúng tôi đến những ngôi làng đó cũng ít dần đi. Cũng không khó hiểu khi nhu cầu của khách du lịch đến với những ngôi làng là muốn tìm hiểu những nét đặc sắc của dân tộc nơi mình tới nó thể hiện qua những nét sinh hoạt hàng ngày của người dân, qua kiến trúc nhà ở, và đương nhiên sẽ chẳng còngì khi những thứ đó đã bị mất đi.
 
Chị Đông, cán bộ Văn hóa xã Quang Minh, huyện Bắc Quang đã tâm sư: “Khi thôn Khiềm được chọn là làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM mình rất vui, vì nếu thành công thì người dân ở đây sẽ có thêm việc làm tăng thêm thu nhập, ngoài ra còn gìn giữ được một số nghề truyền thống của địa phương như nghề mây tre đan. Nhưng nói thật về khái niệm du lịch với mình còn rất mới mẻ, chưa hình dung ra phải làm những gì, đó cũng là khó khăn khi mình đi vận động người dân tham gia vào hoạt động xây dựng làng VHDL tiêu biểu...”. Tâm sự này không phải của riêng chị Đông mà hầu như các cán bộ cấp xã, thôn ở những làng tôi đến đều có chung tâm trạng như vậy.
 
Việc xây dựng làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM đang được tất cả người dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình, có người dân đã hiến đất để mở đường, để xây dựng nhà văn hóa. Nó là thông điệp cho hướng đi đúng đắn của lãnh đạo tỉnh. Nhưng làm thế nào để người dân hiểu được hết ý nghĩa, tầm quan trọng của hướng đi đó trong khi với khả năng tiếp cận thị trường cũng như nhận thức của người dân, một bộ phận cán bộ cấp xã còn hạn chế. Đây là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết sớm, vì con người chính là chủ thể của mọi hoạt động.
 
Trước thực trạng trên, xin đưa ra một số giải pháp sau:
 
Thứ nhất: Phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành có liên quan, đặc biệt là sự gắn kết giữa ban chỉ đạo phát triển du lịch với ban chỉ đạo xây dựng NTM để làm sao phối hợp nhịp nhàng, các công trình khi xây dựng xong phải đảm bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường xung quanh. Vấn đề du lịchvà NTM phải được gắn kết, song hành với nhau.
 
Thứ hai: Rà soát, đánh giá những lợi thế của tất cả 11 làng VHDL tiêu biểu đã được lựa chọn, từ đó tập trung xây dựng và phát triển những ưu thế đặc trưng mà làng đó đã có.
 
Thứ ba: Phải tìm ra được những nhân tố du lịch như: Tìm người yêu thích, tâm huyết với du lịch để làm du lịch; tổ chức những đợt đi tham quan, thực tế các mô hình DLCĐ trong và ngoài tỉnh; tổ chức những lớp tập huấn về kỹ năng phục vụ cũng như những nội dung khác có liên quan trong hoạt động DLCĐ cho người dân; phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần tự tôn dân tộc, yêu quê hương, đất nước, vẻ đẹp văn minh thanh lịch của người Hà Giang.
 
Thứ tư: Phải xây dựng được những sản phẩm du lịch hấp dẫn cũng như hệ thống các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của từng dân tộc, từng vùng; phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
 
Thứ năm: Phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của một số doanh nghiệp lữ hành, vì họ chính là cầu nối đưa khách du lịch đến với các làng VHDL.
 
Việc phát triển làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM là chương trình tổng hợp về tất cả các mặt kinh tế - chính trị - xã hội mà chủ thể là người dân cho nên cần phải có chiến lược bài bản, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Bởi vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chuyên ngành cần có các biện pháp nâng cao dân trí và đề cao vai trò của người dân trong quá trình thực hiện. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc cải tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống của một bộ phận đồng bào, giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên, mà còn giúp người dân mở mang kiến thức, góp phần cải thiện bình đẳng giới và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. 
 
 
Ý kiến của bạn