Hiệu quả mô hình kinh tế trang trại ở Vũ Bản

 9195 lượt xem
Vũ Bản, huyện Bình Lục, Hà Nam là một xã thuần nông, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Mấy năm gần đây, kinh tế - xã hội nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng của Vũ Bản đã có những bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi, mô hình trang trại đã trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương. 

Trước năm 2005, nhiều diện tích đất úng trũng ở địa phương, cấy lúa không hiệu quả, nên có tình trạng hộ dân trong xã bỏ trắng không cấy. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận đấu khoán để xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung. Đồng thời, xã xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc chuyển đổi diện tích đất trũng sang nuôi trồng thủy sản, làm trang trại. UBND xã đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện cho những hộ này được vay vốn với lãi suất từ các dự án… Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, khuyến khích nhân dân đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao phù hợp với thị trường vào sản xuất như nuôi lợn nái, cá chim trắng, cá quả, trồng hoa công nghệ cao… Mặt khác, để mô hình trang trại phát triển bền vững, xã chỉ đạo ban thú y làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện các biện pháp phòng dịch, hạn chế thấp nhất việc phát sinh dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm ở địa phương. Chính vì vậy, kinh tế trang trại của xã đã phát triển nhanh chóng. Đến nay, địa phương đã hoàn thành quy hoạch 07 vùng sản xuất đa canh gồm: Đồng Cổng, Đồng Bến, Đồng Lăng, Xung Ngoại, Nấm Đa, Đồng Lác và Đồng Chằm với tổng diện 84,5 ha. Trong đó, hiện đang có 23 trang trại đa canh, chuyên canh trên diện tích 45 ha. Bình quân một trang trại mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu/năm. Điển hình như trang trại đa canh của ông Trần Khắc Kiều, ở xóm Nam, với diện tích khoảng 14 mẫu, hàng năm trừ mọi chi phí còn lại khoảng 250 triệu đồng; trang trại chuyên nuôi lợn nái của ông Nguyễn Minh Thương bình quân mỗi năm cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng, vào thời điểm giá thị trường cao, mức thu nhập còn tăng lên rất nhiều.

Kinh tế trang trại phát triển đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế của xã phát triển. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng của Vũ Bản đạt 11,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,5 triệu đồng/người/năm. Kinh tế trang trại phát triển đã làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 60% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Cùng với đó các trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
 
Tuy mô hình kinh tế trang trại ở Vũ Bản phát triển nhanh, nhưng vẫn gặp phải một số khó khăn, nhất là về vốn và vấn đề ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay là thời điểm hết sức khó khăn với ngành chăn nuôi do dịch bệnh bùng phát, giá thức ăn chăn nuôi cao, thị trường biến động liên tục gây không ít khó khăn cho các hộ dân. Theo điều tra đến ngày 30/6, tổng đàn lợn của xã còn 12.500 con, giảm 4.000 con so cùng kỳ, đàn gia cầm, thủy cầm đạt 56.500 con, giảm 12.000 con so cùng kỳ 2011…
 
Để tiếp tục phát triển mô hình kinh tế trang trại, Vũ Bản đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất của xã đến năm 2025 theo đề án xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng cơ chế tạo điều kiện khuyến khích các hộ, nhóm hộ tham gia các dự án sản xuất đa canh trên các vùng đất đã được quy hoạch, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh các dự án trồng hoa, cây cảnh và các dự án khác trên diện tích 6,7 mẫu đất bãi khu Hưng Vượng. Bên cạnh đó xúc tiến thành lập hiệp hội các nhà sản xuất trang trại để các chủ trang trại trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau về giống, vốn làm ăn, vừa đảm bảo chất lượng, giá cả, vừa củng cố hơn tình đoàn kết giữa mọi người… Từ giờ đến cuối năm, xã chỉ đạo các ngành chức năng cùng các chủ trang trại tập trung tháo gỡ khó khăn tiếp tục mở rộng chăn nuôi, trồng trọt phấn đấu tổng đàn gia súc 06 tháng cuối năm đạt 16.500 - 18.000 con, đàn gia cầm, thủy cầm đạt 75.000 - 80.000 con, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm.
 
Hy vọng rằng với những kết quả đạt được và những mục tiêu, giải pháp cụ thể trong thời gian tới sẽ thúc đẩy mô hình kinh tế trang trại ở Vũ Bản tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống người dân và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.
 
 
Ý kiến của bạn