Ngày 18/7/2012, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu và đơn vị phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Các đồng chí: Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII của tỉnh, tặng Bằng khen của Bộ LĐTBXH cho các tập thể tiêu biểu tại hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu, đơn vị phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Theo báo cáo, tỉnh Vĩnh Phúc có 138 ngàn người có công với cách mạng, trong đó có 666 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gàn 10 ngàn thương, bệnh binh, hơn 15 ngàn liệt sỹ. Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, tỉnh luôn quan tâm đến các hoạt động chăm sóc đời sống cho thân nhân người có công về sức khoẻ, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm... Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được các cấp quan tâm. Toàn tỉnh có 129 nghĩa trang, đài tưởng niệm được xây dựng trở thành công trình văn hoá, góp phần giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, toàn tỉnh vận động góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được trên 36 tỷ đồng, xây mới 1.536 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 2.364 căn nhà cho các hộ chính sách với tổng số trên 57 tỷ đồng, đến nay không có hộ chính sách ở nhà tre dột nát và không có hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo; toàn tỉnh đã tặng 8.306 sổ tiết kiệm và hàng chục vườn cây tình nghĩa, trị giá 2,5 tỷ đồng; đã có 59 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống với mức phụng dưỡng từ 300-500 ngàn đồng/tháng; 100% số xã, phường, thị trấn của tỉnh được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và người có công. Hàng năm, vào dịp ngày 27-7 tỉnh đều tổ chức đoàn đại biểu đi viếng các nghĩa trang lớn của Quốc gia. Dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh, liệt sỹ năm nay, tỉnh đã trích ngân sách 10 tỷ 727 triệu đồng để tặng quà cho các đối tượng.
Để làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ và chăm sóc người có công, ngành lao động, thương binh và xã hội đề nghị các cấp, các ngành tuyên truyền sâu rộng về công tác thương binh, liệt sỹ, bồi dưỡng, giáo dục cho thế hệ trẻ để tiếp nối truyền thống xây dựng và bảo vệ đất nước; thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đẩy mạnh phong trào chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tiếp tục thực hiện tốt 5 chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công tích cực trong học tập, công tác, lao động, sản xuất kinh doanh, tham gia các hoạt động xã hội, ổn định và nâng cao đời sống; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách với người có công với nước.
Phát huy truyền thống quê hương và bản lĩnh Bộ đội cụ Hồ, thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế” các thương binh, thân nhân liệt sỹ trong tỉnh nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động, sản xuất kinh doanh và xây dựng đời sống văn hoá, góp phần xây dựng quê hương, nhiều tấm gương điển hình được nhân dân ca ngợi và noi gương học tập.
Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, đồng chí Phùng Quang Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu đánh giá cao công lao của các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước và trong sự nghiệp phát triển hiện nay.
Tại hội nghị, 11 tập thể và 9 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Lao động, thương binh và xã hội; có 26 tập thể và 274 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh và nhiều tập thể, cá nhân được nhận Giấy khen của Sở Lao động, thương binh và xã hội.