Đặc điểm tình hình và sự ra đời Đơn vị A101 - Bến Bến Tre
Bến Tre là tỉnh có truyền thống cách mạng trong kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ. Từ phong trào Đồng Khởi năm 1960, phần lớn vùng rừng ven biển do ta làm chủ và xây dựng căn cứ. Với những điều kiện trên, tỉnh Bến Tre vinh dự được Trung ương Cục chọn là 1 trong 4 tỉnh ven biển Nam bộ cùng với Bà Rịa, Trà Vinh, Cà Mau tổ chức lực lượng vượt biển ra Bắc và mở Bến tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Từ đó Đơn vị A101- Bến Bến Tre ra đời.
Bia kỷ niệm "Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam" tại xã Thạnh Phong - huyện Thạnh Phú - Bến Tre.
Những bộ phận ban đầu của Đơn vị A101 được tổ chức từ Quý II/1961, đến tháng 9/1962 mới chính thức được thành lập theo quyết định của Trung ương Cục với phiên hiệu Đơn vị A101, bí số B3, là 1 trong trong 4 Bến trực thuộc Đoàn 962. Biên chế Bến tương đương cấp Trung đoàn.
Đơn vị A101 chịu sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Đoàn 962 và sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Khu ủy khu 8. Địa bàn đứng chân ở 2 huyện Thạnh Phú và Bình Đại. Khu vực hoạt động ven biển Thạnh Phú đến Bình Đại.
Về nhiệm vụ xây dựng Bến để đón nhận tàu từ miền Bắc vào chi viện vũ khí cho chiến trường Nam Bộ và làm đầu cầu trung chuyển vũ khí, trang bị từ bến Cà Mau, Trà Vinh giao cho Quân khu 7, Quân khu 8. Ngoài ra, Đơn vị còn làm nhiệm vụ chiến đấu cùng quân dân địa phương và bảo vệ khu vực được giao.
Những thành tích đặc biệt xuất sắc của Đơn vị A101 – Bến Bến Tre từ tháng 6/1961 – 6/1967
Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy khu 8, từ tháng 2/1961, Bến Tre đã chọn lựa một số cán bộ trung kiên, đã qua thử thách, biết đi biển để tổ chức thành 03 đội thuyền chuẩn bị vượt biển ra Bắc và chuẩn bị mọi mặt trong điều kiện tuyệt đối bí mật.
Đến giữa tháng 8/1961, trong những điều kiện hết sức khó khăn, nguy hiểm, thuyền nhỏ, trang bị thô sơ, không nắm được tình hình địch, sóng to gió lớn, hai chiếc thuyền của Bến Bến Tre với số lượng 14 đồng chí đã dũng cảm, mưu trí vượt biển ra Bắc thành công.
Các cựu binh tham gia đoàn tàu không số về thăm lại bến A101 - Bến Bến Tre nhân kỷ niệm 50 năm "Ngày mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển".
Cùng với các đồng chí ở Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa và lực lượng Đoàn 759, các đồng chí trên 02 thuyền của Bến Tre đã trở về Nam Bộ trên 04 tàu gỗ mang tên Phương Đông 1,2,3,4 (từ tháng 10 đến cuối tháng 12/1962), đưa về Bến Cà Mau 112 tấn vũ khí đầu tiên, góp phần khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển Đông - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Khi mới thành lập, Đơn vị A101 đóng quân ở Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Đây cũng là nơi BCH Đoàn 962 dừng chân. Đến năm 1963, A101 đã xây dựng được các đơn vị B7-A100 đơn vị kho và đầu cầu trung chuyển ở Bình Đại, 01 Đội vận tải tương đương 01 trung đội bảo vệ căn cứ, hoạt động công khai như đơn vị chiến đấu, đóng quân trong nhà dân (Bình Đại 01 trung đội, Thạnh Phú 01 trung đội); 01 bộ phận công tác Đảng, công tác chính trị, bộ phận thông tin với 02 đài 15W, bộ phận cơ yếu, quân báo và bộ phận văn phòng, quản lý, tài vụ, quân y…
Do tính chất đặc biệt quan trọng, yêu cầu bảo đảm bí mật rất cao, nên hầu hết lực lượng, hệ thống kho, bến tàu vào đậu đều được bố trí rải rác, nằm sâu trong rừng thuộc các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui (huyện Thạnh Phú) và một số xã ven sông Ba Lai (huyện Ba Tri).
Về xây dựng lực lượng, bố trí hệ thống kho, phương tiện vận chuyển thời gian đầu mở Bến hết sức khó khăn, đơn vị phải chạy đua với thời gian, chống chọi với điều kiện khắc nghiệt nơi rừng hoang, nước mặn, thêm vào đó là sự càn quét, đánh phá bằng bom, pháo của kẻ thù. Nhưng với ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, nên chỉ sau gần 4 tháng, hàng ngàn mét khối đất được đào đắp đúng vị trí, cao ráo làm kho nổi, hàng trăm hầm xi măng, lu mái lớn, nhỏ được chôn sâu trong lòng đất làm kho chìm, hàng chục ụ bến để tàu vào đậu an toàn. Đây thực sự là một kỳ công của cán bộ, chiến sỹ đơn vị A101 – Bến Bến Tre.
Việc xây dựng và bảo vệ bí mật cho bến đậu của tàu được tiến hành bằng cách chọn một số đoạn rạch sâu trong căn cứ, hai bên có nhiều cây cao che phủ và ngụy trang thêm cây lá trên tàu hàng ngày, để che mắt máy bay địch. Nhiều ụ phải dùng sức người đào, chuyển bùn đất đi, để cải tạo sông, rạch thành ụ cho tàu đậu, khi tàu vào đậu ép sát một bên cho thông dòng chảy và không để tàu trở thành "cù lao" ở giữa sông, dễ bị máy bay địch phát hiện.
Vừa chiến đấu, vừa xây dựng phát triển lực lượng, đến giữa năm 1963, đội kho, đội vận tải đều phát triển thành Đại đội, đội phòng thủ thành Tiểu đoàn (phiên hiệu Tiểu đoàn 518), mua sắm thêm phương tiện vận tải, tổng cộng có 20 chiếc ghe, thuyền, được trang bị vũ khí khá mạnh, có sức cơ động nhanh hơn, có khả năng chiến đấu với hải thuyền địch khi cần.
Với những nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ, sự miệt mài lao động không kể ngày đêm, với biết bao công sức kể cả máu xương của mình, đơn vị đã cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng Đơn vị A101 nhanh chóng trưởng thành, sẵn sàng đón những chuyến tàu từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường theo sự chỉ đạo của trên. Có thể nói việc xây dựng "bến không cầu, kho không mái" là kỳ tích sáng tạo độc đáo của bến A101 - Bến Bến Tre .
Sau Đồng Khởi Bến Tre năm 1960, địch mở nhiều cuộc càn quét, xây dựng nhiều khu trù mật, ấp chiến lược, đóng thêm nhiều đồn bót. Chúng tăng cường bom, pháo đánh phá vùng giải phóng, vùng căn cứ của ta. Trên chiến trường Khu 8 diễn ra nhiều trận đánh, nổi bật là Chiến thắng Ấp Bắc (tháng 01/1963), ta đã đánh bại cuộc càn của 8 tiểu đoàn chủ lực ngụy, cùng dân vệ, bảo an, bẻ gãy chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" của địch. Chiến trường lúc này đang rất cần nhiều vũ khí, trang bị cho chiến đấu và phát triển lực lượng, trong lúc đường Trường Sơn chưa vươn tới, Đơn vị A101 - Bến Bến Tre đã sẵn sàng và mong mỏi đón tàu vào, nhưng chưa tàu nào cập bến.
Sau nhiều tháng trông chờ, giữa tháng 6/1963 trên chỉ thị cho Đơn vị A101 - Bến Bến Tre chuẩn bị đón tàu từ miền Bắc vào. Được tin, cán bộ, chiến sĩ A101 rất vui mừng, nhưng cũng rất lo, vì đây là chuyến tàu đầu tiên, nếu tổ chức đón không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ thì có tội với Đảng, với đồng bào, đồng chí, đang chiến đấu trong khi thiếu vũ khí, trang bị trên chiến trường. Liên tiếp (từ 12 - 16/6/1963) đội thuyền của A101 ra đón từ mờ tối đến sáng, cách bờ khoảng 10 hải lý, chạy đi chạy lại hầu hết các cửa Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên nhưng vẫn không bắt được tín hiệu tàu ta vào. Về sau mới biết do tàu gặp bão, máy hư phải thả nổi trên biển để sửa chữa, khắc phục xong tàu mới tiếp tục cuộc hành trình vào Bến Tre.
Đến 10 giờ ngày 17/6/1963 tàu vào rạch Khâu Băng giữa ban ngày, khi bắt được liên lạc, Đơn vị A101 nhanh chóng tổ chức lực lượng đưa tàu vào bến tạm, triển khai ngay việc ngụy trang và tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tàu. Buổi chiều, đơn vị hướng dẫn đưa tàu vào Mương Lộ, rạch Khâu Băng ẩn mình kín đáo. Chỉ sau 02 ngày đêm cán bộ, chiến sĩ đơn vị và nhân dân tại địa phương đã bốc dỡ, vận chuyển, cất giấu xong “hàng” trên tàu, giải phóng tàu nhanh để tàu trở ra Bắc an toàn.
Từ chuyến tàu đầu tiên vào Bến Bến Tre an toàn, Đơn vị A101 liên tục đón những chuyến tàu tiếp theo, tổng cộng từ tháng 6/1963 đến năm 1967, đơn vị đã tiếp nhận thành công 26 chuyến tàu an toàn và 01 chuyến thành công nhưng không trọn vẹn vào tháng 11/1964, do tàu vào mắc cạn cồn cát, đơn vị đã tập trung lực lượng chuyển hết hàng nhanh chóng, nhưng vẫn không cứu được tàu khỏi cạn, để giữ bí mật cho tuyến đường, buộc phải phá hủy tàu trong sự tiếc rẻ vô hạn của thủy thủ đoàn và cán bộ, chiến sĩ Đơn vị A101 - Bến Bến Tre. Tổng số vũ khí, hàng hóa Đơn vị A101- Bến Bến Tre tiếp nhận của 27 chuyến là 1.355 tấn.
Ngoài nhiệm vụ tiếp nhận trực tiếp tàu từ miền Bắc vào, từ năm 1963 đến 1966, đơn vị A101 - Bến Bến Tre còn tiếp nhận, cất giữ gần 1.000 tấn vũ khí từ các Bến Cà Mau, Trà Vinh chuyển lên bằng thuyền, đi ven biển và trực tiếp qua bến Trà Vinh chuyển về. Trong 01 chuyến vận chuyển từ Trà Vinh về Bến Tre, ngày 16/6/1966 đã gặp hải thuyền địch và buộc phải chiến đấu trên sông Cổ Chiên, thuyền ta bị trúng đạn, toàn bộ 9 đồng chí đi trên thuyền đều hy sinh, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Phối (Ba Bổn) Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 962.
Trong nhiệm vụ vận chuyển vũ khí giao cho Quân khu 7, đội thuyền của đơn vị B7-A100 thuộc A101 - Bến Bến Tre đã vận chuyển từ Thạnh Phú qua tập kết ở Bình Đại, sau đó dùng thuyền có công suất lớn, vào ban đêm vận chuyển lên B8 (Gò Công), B10 (Rừng Sác). Đây là tuyến đường thường xuyên gặp địch, phải linh hoạt, dũng cảm, mưu trí né tránh, có lần đã đụng địch, vừa chiến đấu, vừa cơ động vào Gò Công, có 02 đồng chí chiến đấu bảo vệ “hàng” đã hy sinh ngày 11/10/1966.
Trong số “hàng” được đội thuyền A101 vận chuyển có đợt vận chuyển 4 quả thủy lôi Sừng chạm (PK) của Liên Xô, mỗi quả nặng 1.075 kg, để đưa được 1 khối chất nổ nặng hơn 1.000 kg, chỉ dùng tay làm thủ công, không có thiết bị bốc xếp hỗ trợ, thế mà đơn vị phải chuyển từ thuyền Cà Mau chuyển lên cho kho, sau đó đưa xuống thuyền chuyển lên giao ở Rừng Sác. Đây thực sự là một kỳ công, sự lao động nặng nhọc, đầy sáng tạo và dũng cảm. Chính những quả thủy lôi này, bộ đội đặc công Rừng Sác đã đánh chìm tàu BALON ROUGE VICTORI của Mỹ trên sông Lòng Tàu, lập nên chiến công vang dội lúc bấy giờ.
Như vậy, từ năm 1963 đến năm 1967, Đơn vị A101 - Bến Bến Tre, Đoàn 962 đã chuyển giao cho Quân khu 7 hơn 1.300 tấn vũ khí, giao cho Khu 8 và một số đơn vị trên địa bàn Khu 8 hơn 1.000 tấn vũ khí. Với kết quả trên, Đơn vị A101 - Bến Bến Tre đã đóng góp xuất sắc vào cuộc chiến đấu của quân dân Nam Bộ, đánh thắng các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy.
Dự án “Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh trên biển" tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú - Bến Tre”.
Thành tích trong chiến đấu bảo vệ Bến, kho và địa bàn đóng quân
Việc đón, đưa tàu vào Bến an toàn; tiếp nhận, cất giữ, bảo quản và cung cấp kịp thời cho chiến trường phục vụ bộ đội chiến đấu là công việc hết sức khó khăn, nguy hiểm. Nhưng việc chiến đấu bảo vệ địa bàn, bảo vệ kho, Bến lại càng quyết liệt, khó khăn và nguy hiểm hơn. Do lực lượng chiến đấu của đơn vị ít, chủ yếu là Tiểu đoàn 518, địa bàn rộng nên đóng quân phân tán. Vì vậy, các hoạt động chiến đấu đều phối hợp chặt chẽ với lực lượng của địa phương và dân quân, du kích.
Tham gia một số trận đánh tiêu biểu:
Đánh bại trận càn "Phượng Hoàng TG-1" của Khu chiến thuật Tiền Giang ngày 31/12/1963. Đây là trận đánh phối hợp giữa Đơn vị A101, Tiểu đoàn 263 Quân khu (lúc này về Thạnh Phong huấn luyện và nhận trang bị mới ở Bến Tre) và quân dân du kích địa phương. Địch với thế mạnh, quân đông, trang bị hiện đại, bằng chiến thuật "bủa lưới, phóng lao", chúng dùng tàu chiến, trực thăng và xe bọc thép (M113) ồ ạt đổ 4 tiểu đoàn chủ lực, có cả cố vấn Mỹ chỉ huy, đánh vào vùng căn cứ của ta ở Thạnh Phú gồm 3 xã Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Nhơn. Ta dựa vào xã chiến đấu, đánh tiêu hao kiềm chân địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 263 đánh tiêu diệt. Qua 21 ngày đêm giằng co, địch không tiến quân được phải rút quân. Kết quả ta bắn rơi và cháy 15 máy bay trực thăng, làm chết và bị thương gần 200 tên, trong đó có tên đại tá Hoàng Gia Anh đi trực thăng thị sát chiến trường. Bến cảng, kho tàng của đơn vị A101 được bảo vệ an toàn.
Đánh bại cuộc hành quân "Phượng Hoàng" ngày 14/02/1966, do tướng Lê Văn Kim - Tổng tham mưu trưởng Ngụy - Sài Gòn và Lâm Văn Phát - Tư lệnh Khu chiến thuật Tiền Giang trực tiếp chỉ huy. Lực lượng gồm thủy quân lục chiến, bảo an và các giang đoàn tỉnh Kiến Hòa, tỉnh Trà Vinh, tham gia, với sự yểm trợ của không quân, pháo binh. Được trên thông báo và ta trinh sát nắm địch chính xác, Tiểu đoàn 518, Đơn vị A101 được trang bị tương đối mạnh gồm 01 đại đội bộ binh, 01 đại đội phòng không 12,8mm, kết hợp dân quân du kích, triển khai trận địa tại ngã ba Cồn Rừng (Thạnh Phong). Ngay từ đầu, Tiểu đoàn 518 đánh phủ đầu khi chúng đang đổ quân, bắn rơi tại chỗ 15 trực thăng, diệt gọn 01 đại đội, chặn đứng nhiều đợt xung phong của địch. Bị thiệt hại nặng, không phát triển được buộc phải dừng lại, cho máy bay ném bom na-pan và phái binh chi viện. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 518 dũng cảm vừa chiến đấu, vừa lao vào dập lửa, cứu hơn 20 người dân đang nấp trong hầm trú ẩn. Hôm sau, có quân chi viện, có xe M113 yểm trợ, chúng tiếp tục tấn công vào ngã ba Cồn Rừng, Tiểu đoàn 518 và lực lượng địa phương đã kiên cường chiến đấu, giữ vững trận địa và diệt thêm một số tên. Bị thiệt hại nặng, buộc địch phải rút lui. Kết quả ta diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, có 7 cố vấn Mỹ, bắn rơi và hư hỏng 47 máy bay (có 15 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 01 xe M113, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Ta hy sinh 15 đồng chí, nhưng đã bảo vệ an toàn vùng căn cứ, bảo vệ Bến đang cất giữ trên 200 tấn vũ khí trong kho.
Đánh bại cuộc càn “Sóng Thần 5” ngày 06/01/1967, đây là cuộc càn lớn nhất từ trước đến nay tại Bến Tre. Cuộc càn này Mỹ dùng nhiều tàu chiến, máy bay, xe thiết giáp, các loại hỏa lực mạnh, kể cả B52. Lực lượng của chúng gồm: 01 Lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 01 Tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên, từ Hạm đội 7 đổ quân vào càn quét vùng Thạnh Phong và Giao Thạnh (Thạnh Phú).
Đơn vị A101 do đồng chí Tám Toản chỉ huy, phối hợp với du kích chống càn nhỏ lẻ, phục kích tại Cồn Điệp xã Thạnh Phong tiêu diệt 17 tên địch, phối hợp với du kích xã Giao Thạnh đánh mìn tại Giồng Mỏ Neo, diệt và làm bị thương 25 tên Mỹ.
Từ giữa năm 1966 một số tàu vào bến miền Trung và Nam bộ đụng địch buộc phải chiến đấu, hủy tàu, tuyến đường đã bị lộ, nên đến giữa năm 1967 trên chỉ đạo tạm thời ngưng hoạt động. Theo chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền, Đoàn 962 rút gọn lại, lực lượng còn tương đương 01 Trung đoàn, địa bàn hoạt động chỉ còn bến Cà Mau và Trà Vinh, trực thuộc Quân khu 9. Đơn vị A101 – Bến Bến Tre rút gọn còn tương đương tiểu đoàn, trực thuộc Quân khu 8. Đến năm 1968, theo quyết định của Quân khu 8, Bến Bến Tre tạm ngưng hoạt động, phần lớn cán bộ, chiến sĩ A101 được bổ sung về đơn vị kho và vận tải bộ của Quân khu 8 và bổ sung lực lượng chiến đấu trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Đến năm 1970, Quân khu 8 quyết định đưa số cán bộ A101 trước đây trở lại Bến Tre tổ chức đơn vị, chuẩn bị mở Bến lần 2. Lần này, quy mô tổ chức tương tương Tiểu đoàn, phiên hiệu vẫn là A101 – Bến Bến Tre, vẫn làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào, trực thuộc Quân khu 8 và sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Hải quân (không còn trực thuộc Đoàn 962 như trước đây). Đơn vị A101 hoạt động liên tục đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Sau một thời gian tiếp quản các căn cứ Hải quân ngụy trong năm 1975 với phiên hiệu Tiểu đoàn 36, đến 1976 Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định sáp nhập lại Tiểu đoàn 36 vào Trung đoàn 962. Do yêu cầu biên chế của thời kỳ mới của Trung đoàn 962, nên Tiểu đoàn 36 được bổ sung vào các đơn vị trực thuộc Trung đoàn 962.
Trải qua hơn 5 năm chiến đấu, tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào, Đơn vị A101 đã có 204 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hàng trăm đồng chí bị thương và ảnh hưởng chất độc hóa học. Đặc biệt, có 9 đồng chí hy sinh tan xác cùng thuyền chở vũ khí trên sông Cổ Chiên (trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Phối là Thường vụ Khu ủy Khu 8 được điều vào Đoàn 962 làm Đoàn Trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 962).
Những kỳ tích của những chuyến tàu thần kỳ không số, cùng cán bộ, chiến sĩ mưu trí, dũng cảm, bí mật, nối tiếp nhau rời bến, cập bến, Đơn vị A101 – Bến Bến Tre một bộ phận quan trọng trong hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, đã trở thành một thiên anh hùng ca bất tử, góp phần to lớn cho thắng lợi chung của toàn dân tộc, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Khu vực Đơn vị A101 - Bến Bến Tre đứng chân là xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú đã dựng lại bia kỷ niệm, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận “Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam” là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 23/12/1995.
Những chiến công thầm lặng của Đơn vị A101 - Bến Bến Tre, là những thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần làm nên huyền thoại "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Đơn vị A101 – Bến Bến Tre xứng đáng nhận được phần thưởng cao quý của Nhà nước ta trao tặng "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". Những thế hệ hôm nay và tiếp nối xin kính cẩn nghiêng mình - đời đời tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh trên con đường biển Đông - Đường Hồ Chí Minh trên biển.