Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Nam Hà Nội: Công khai, minh bạch, kịp thời

 9245 lượt xem
Diễn ra hơn 300 buổi họp bàn tháo gỡ khó khăn, người dân bỏ ruộng không cấy để gây áp lực lên chính quyền địa phương, điều đó đã cho thấy sự phức tạp trong quá trình giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. 

Đã một thời gian dài, nhiều người dân xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên cho rằng, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G không đủ tiềm lực nghiên cứu, quy hoạch đầu tư, xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Cũng vì lẽ đó, sau 5 năm, kể từ (tháng 7-2007) được giao làm chủ đầu tư, công ty vẫn chưa nhận được mặt bằng để xây dựng hạ tầng. Ông Nguyễn Chí Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, có những thời điểm, mặc dù đã điều chỉnh chính sách đền bù mới, mức tối đa 280 triệu đồng/sào, mà một số trường hợp vẫn không chịu nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Sự việc càng trở nên phức tạp khi Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G thực hiện việc chi trả tiền đền bù trong tháng 7-2011, nhưng một bộ phận người dân vẫn không nhận tiền bồi thường, họ đưa ra yêu sách phải thu hồi hết toàn bộ diện tích dự án và trả tiền một lần cho dân với tổng số tiền lên tới khoảng 600 tỷ đồng. Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ những chính sách liên quan khi Nhà nước thu hồi đất phát triển công nghiệp, cũng không ít người cho rằng, bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ mất tư liệu sản xuất nên có tư tưởng giữ ruộng, không muốn đưa công nghiệp vào địa phương nên khó khăn thêm chồng chất.

Bí thư Đảng ủy xã Đại Xuyên Lê Thanh Hải cho biết, bước sang năm nay, các tổ công tác của huyện và xã tiếp tục xuống gõ cửa từng nhà kiên trì tuyên truyền thuyết phục, giải thích, nói rõ hiệu quả dự án giai đoạn 1 giải phóng khoảng 67,7ha, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội phía nam Thủ đô, kích thích sự phát triển của các làng nghề tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động ở địa phương. Mưa dầm thấm lâu, người dân đã hiểu và ủng hộ chủ trương của TP. Đến nay, 968 hộ thôn Kiều Đông, Kiều Đoài, Cổ Trai, xã Đại Xuyên liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp đã vui vẻ nhận tiền bồi thường. Theo kế hoạch, những ngày đầu tháng 7-2012, CTCP Đầu tư phát triển N&G chi trả toàn bộ 588 tỷ đồng cho người dân xã Đại Xuyên. Kinh nghiệm của Đại Xuyên là muốn người dân ủng hộ, thì việc GPMB phải được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch, chi trả đúng, đủ, kịp thời, cái gì có lợi cho dân thì làm và các bên cùng phải chia sẻ lợi ích. Chính vì vậy, từ chỗ bế tắc kéo dài, nhưng chỉ trong 6 tháng qua, Đại Xuyên đã có sự chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận giữa người dân, chính quyền địa phương và chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. 
 
Phó Chủ tịch huyện Phú Xuyên Nguyễn Chí Quân cho biết thêm, những băn khoăn của người dân hậu thu hồi đất cũng đã có lời giải. Trước mắt, để giải quyết vấn đề lao động nông thôn khi phải dành đất để phát triển công nghiệp, tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại, huyện hỗ trợ xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả cao, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao giá trị đất canh tác. Đặc biệt, huyện Phú Xuyên đã chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân, chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
 
Tin vui đối với người dân xã Đại Xuyên, sau khi hoàn thành đền bù GPMB, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G cam kết triển khai ngay việc san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp đang sản xuất tại Khu công nghiệp Sài Đồng B di chuyển về Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Dự kiến Khu công nghiệp Nam Hà Nội đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 7.000-10.000 lao động của địa phương tạo ra triển vọng mới cho Đại Xuyên.
 
 
Ý kiến của bạn