Dấu ấn Việt Nam trong ASEAN 45 năm phát triển

 8727 lượt xem
Ngày 28-7-1995 đã ghi một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam cũng như trong quá trình phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN trong buổi lễ kết nạp trang trọng với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei Darussalam (nước chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 1995).

Từ đó đến nay, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động vào hợp tác của ASEAN và có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN cũng như trong việc xác định tương lai phát triển, phương hướng hợp tác và các quyết sách lớn của ASEAN, góp phần tăng cường đoàn kết , hợp tác, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội.
 
Với mong muốn cùng chung tay xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN đã vượt qua những khác biệt và tồn tại do lịch sử để lại, đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên tinh thần hữu nghị và đoàn kết. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 được coi là bước khởi đầu quan trọng đối với tiến trình mở rộng và phát triển của ASEAN.
 
Ngay sau khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN, qua đó góp phần hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, mở ra một trang mới của đoàn kết, hữu nghị và hợp tác ở khu vực. 
 
Có thể khẳng định rằng, sự hình thành ASEAN-10 là một trong những mốc phát triển quan trọng của Hiệp hội, tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng và có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương như ngày nay.
 
Về những đóng góp tạo nên dấu ấn Việt Nam trong ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: Trong 17 năm qua, Việt Nam đã đóng góp chủ động, tích cực và trách nhiệm vào các mục tiêu chung của ASEAN vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong năm 2010, khi Việt Nam đóng vai trò là Chủ tịch ASEAN.
 
Việt Nam đã đóng góp tích cực trên những lĩnh vực quan trọng, góp phần duy trì đoàn kết trong khối ASEAN cho các mục tiêu chung; trực tiếp đóng góp vào lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN và triển khai Hiến chương, đưa ASEAN đến năm 2015 trở thành một cộng đồng ASEAN đoàn kết, gắn bó, liên kết chặt chẽ về kinh tế và cùng nhau vì mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực. Trong nỗ lực nâng cao và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ nội khối và ASEAN với các đối tác nhằm tạo sức mạnh chung tay ứng phó với những thách thức (thiên tai, biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính…) các nước cũng đánh giá cao vai trò đậm nét của Việt Nam, tạo nên một dấu ấn Việt Nam trong ASEAN.
 
Nhìn lại lịch sử hình thành ASEAN, từ 5 nước thành viên ban đầu (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) sáng lập nên tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào ngày 8/8/1967 trên cơ sở Tuyên bố Bangkok, đến nay, ASEAN đã hội tụ đủ 10 thành viên.
 
Sau 45 năm hình thành và phát triển, vượt qua bao thăng trầm và thách thức, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị-kinh tế năng động, có vai trò và vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương. Với những kết quả đã đạt được, ASEAN hiện đã bước sang giai đoạn phát triển mới hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
 
Thực tiễn 45 năm qua đã cho thấy ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực có sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những biến đổi của thời cuộc. Điều đó thể hiện rõ qua những kết quả hợp tác trong những năm qua và khả năng ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức đặt ra, kể cả các tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu hiện nay. Nổi bật nhất là những nỗ lực để đưa Hiến chương ASEAN đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho ASEAN gia tăng liên kết khu vực, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
 
Trong những thành tựu của ASEAN thời gian qua, trước hết phải kể đến ASEAN là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển ở khu vực. Vai trò quan trọng hàng đầu này được thể hiện sinh động qua nỗ lực to lớn của ASEAN trong việc đẩy mạnh hợp tác chính trị - an ninh và xây dựng các quy tắc ứng xử, thông qua đó tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, ngăn ngừa xung đột giữa các quốc gia ở khu vực.
 
ASEAN cũng đồng thời tạo dựng được quan hệ hợp tác nhiều mặt với những đối tác quan trọng trên thế giới, khởi xướng thành công và giữ vai trò chủ đạo trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) - cơ chế khu vực duy nhất để đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua đó, ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác quan trọng ngoài khu vực Đông Nam Á tham gia và đóng góp xây dựng vào việc xử lý những thách thức an ninh chung, góp phần củng cố hòa bình và an ninh ở khu vực.
 
Vai trò động lực chính của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực ở Đông Á, nhất là về kinh tế - thương mại thể hiện bằng việc ASEAN đã khởi xướng và làm nòng cốt trong việc tạo dựng khuôn khổ phù hợp để thúc đẩy hợp tác Đông Á thông qua các cơ chế ASEAN và các đối tác, Cấp cao Đông Á (EAS)… 
 
Ngoài ra, ASEAN còn là lực lượng sáng lập và đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác liên khu vực như Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác Á-Âu (ASEM) và Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC).
 
Với vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực , cùng với những chính sách rộng mở và đóng góp to lớn , ASEAN đã trở thành đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các trung tâm lớn trên thế giới . Các đối tác đều coi trọng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN cả về đa phương và song phương, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực; coi ASEAN như một địa chỉ tin cậy, một xúc tác quan trọng để gắn kết và hài hoà các lợi ích đan xen, cùng hướng tới mục tiêu chung là duy trì hòa bình, ổn định và cùng phát triển thịnh vượng.
 
Những kinh nghiệm, thành công của 45 năm qua cùng với những tiềm năng sẵn có trong nội khối và sự đoàn kết trong một quyết tâm lớn, người dân của 10 nước ASEAN đang cùng hướng tới một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng vào năm 2015.
 
 
Ý kiến của bạn